Chuyển đổi số tăng tốc, FPT hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau 11 tháng
Theo kết quả kinh doanh 11 tháng mới công bố, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) ghi nhận doanh thu 24.533 tỷ đồng, tăng gần 20% cùng kỳ
Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn sau 11 tháng đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 24% cùng kỳ năm trước và hoàn thành kế hoạch cả năm.
Theo kết quả kinh doanh 11 tháng mới công bố, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) ghi nhận doanh thu 24.533 tỷ đồng, tăng gần 20% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 4.439 tỷ đồng, tăng 24,3%.
Không chỉ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số, kết quả hoạt động sau 11 tháng cũng giúp FPT đạt 92% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 100% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Trước đó, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu 26.660 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% và lợi nhuận trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2018.
"Quả ngọt" từ công nghệ và chuyển đổi số
Kể từ sau quá trình thoái vốn phân phối bán lẻ và tập trung vào mảng cốt lõi là công nghệ, viễn thông, FPT tăng trưởng nhờ "đầu tàu" khối công nghệ.
Sau 11 tháng, khối công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 13.797 tỷ và 1.895 tỷ đồng, tăng 23% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng doanh thu tại thị trường nước ngoài trong 11 tháng đóng góp gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.625 tỷ đồng và đều đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%.
Liên tục trong những tháng cuối năm, hàng loạt hợp đồng lớn đã về tay FPT. Ngày 24/12, FPT ký hợp đồng tư vấn chuyển đổi số cho "vua tôm" Minh Phú, hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu trở thành công ty công nghệ thủy sản trong TOP đầu thế giới. Cuối tháng 8, tập đoàn ký kết hợp đồng tư vấn chuyển đổi số cho DPDgroup - công ty sở hữu mạng lưới chuyển phát lớn thứ 2 châu Âu và ký thỏa thuận cung cấp giải pháp công nghệ số cho RWE - tập đoàn năng lượng của Đức. Trước đó, FPT cũng là một trong 5 đối tác đầu tiên trên thế giới cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng dữ liệu hàng không mở Skywise.
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), doanh thu FPT thu được từ các khách hàng hiện hữu, bao gồm hơn 100 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500, vẫn thấp so với mức chi tiêu cho công nghệ thông tin hàng năm của các khách hàng này.
Với thành tích triển khai ngày càng được chứng minh cũng như năng lực trong các dịch vụ giá trị gia tăng (ví dụ năng lực tư vấn/thiết kế giải pháp phần mềm cũng như các dịch vụ chuyển đổi số), FPT được kỳ vọng sẽ nâng cao tỷ suất doanh thu trên mỗi khách hàng.
Bên cạnh đó, việc triển khai các hợp đồng lớn hơn và có biên lợi nhuận cao hơn cũng góp phần thúc đẩy năng suất lao động của nhân viên.
"Các định hướng chiến lược này đang đi đúng hướng khi doanh thu trên mỗi nhân viên mảng xuất khẩu phần mềm tăng 22% trong 9 tháng đầu năm, trong khi số lượng khách hàng đóng góp trên 1 triệu USD tăng từ 57 khách hàng trong 9 tháng 2018 lên 85 khách hàng trong 9 tháng 2019", báo cáo VCSC viết.
Giá cổ phiếu hưởng lợi từ kết quả kinh doanh
Kết quả kinh doanh tăng trưởng, cộng hưởng với đó là triển vọng về cổ phiếu. Trong báo cáo định giá mới nhất về FPT, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) và VCSC nâng mức giá mục tiêu lên mức 75.300 - 76.800 đồng, cao hơn gần 40% so với mức thị giá cổ phiếu FPT đóng cửa phiên gần nhất.
"FPT hiện đang giao dịch tại PEG 3 năm hấp dẫn ở mức 0,6 dựa theo tốc độ tăng trưởng kép EPS dự phóng của chúng tôi trong giai đoạn 2019-2022 là 21%, chủ yếu nhờ mảng xuất khẩu phần mềm, viễn thông và giáo dục", báo cáo VCSC viết.
Trong khi đó, báo cáo của BSC dẫn ra 4 lý do để xem xét đầu tư vào cổ phiếu FPT, bao gồm xu hướng chuyển đổi số và thị trường xuất khẩu rộng lớn; tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh khả quan dự báo duy trì trong 3 - 4 năm tới; kỳ vọng gia tăng giá trị sản phẩm thông qua phát triển công nghệ mới và cơ hội M&A và yếu tố cuối là cổ phiếu FPT đang được thị trường định giá lại với vị thế là một công ty công nghệ "có triển vọng".
Trước đó, báo cáo về FPT của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cũng nâng mức giá mục tiêu lên 78.100 đồng, tăng gần 28% so với giá mục tiêu trước đó.
"FPT hiện đã bổ sung mảng tư vấn chiến lược cho bộ sản phẩm và dịch vụ hiện có. Công ty cũng đang chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin sang nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện. Chúng tôi thích FPT vì Công ty luôn phấn đấu là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên của Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ với một ban lãnh đạo có tầm nhìn", báo cáo của HSC viết. Nhóm phân tích đồng thời cũng điều chỉnh dự báo năm 2019, với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 30,2% và dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 25,5% trong năm 2020.