09:03 14/01/2008

Chuyển động cửa khẩu Móng Cái

Trần Lê

Cửa khẩu Móng Cái đang phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng, trên đường trở thành khu kinh tế cửa khẩu lớn nhất nước

Nhiều người Trung Quốc sang thuê đất xây siêu thị, nhà hàng to tát ở Móng Cái.
Nhiều người Trung Quốc sang thuê đất xây siêu thị, nhà hàng to tát ở Móng Cái.
Thượng tuần tháng 1/ 2008, qua Đèo Bụt vào phường Quang Hanh khởi đầu của thị xã Cẩm Phả dài dằng dặc, đã thấy bớt bụi, thỉnh thoảng mới có chiếc ôtô tải hạng nặng vài chục tấn chất ngất than vượt qua đường ra cảng Cửa Ông nơi tàu biển chờ ăn than.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ rải than và bụi suốt 50-60 km quốc lộ 18 từ Hòn Gai ra Cửa Ông, bắt đầu từ tháng 1/2008 đã làm máng tải trên cao dài hàng chục km từ các mỏ than ra tận cảng.

Nhân dân, nhất là du khách trong và ngoài nước, chờ đợi ngành than cũng làm như thế ở đoạn quốc lộ 18 từ Đông Triều đi Bãi Cháy, để cho sạch sẽ, văn minh con đường đến với Vịnh Hạ Long.

Nhưng niềm vui không trọn vẹn, khi từ Mông Dương ra địa phận Ba Chẽ - Tiên Yên để đến thị xã biển biên giới địa đầu Tổ quốc, lại bước vào "con đường gian khổ". Lại bụi mịt mù và xóc đến nôn nao, lại liên tục 300-400 cua ngoặt, hết dốc lại đèo, không ngày nào không có xe tải rệ xuống ta luy, hoặc chổng vó giữa đường. Nhưng bù lại cảm giác quay chong chóng đó, là sự ngạc nhiên về sự đổi thay khá nhanh của phong cảnh hai bên đường.

Dáng dấp đô thị, buôn bán tấp nập

Đồi núi trập trùng mới 5-7 năm về trước còn trơ trụi màu đỏ gan gà, vậy mà nay đã xanh tươi, qua Đầm Hà, Quảng Hà cho đến tận Móng Cái. Các thị trấn miền núi ngày nào còn thưa thớt, đìu hiu trong làn khói lam chiều, nay đã mang dáng dấp đô thị, có cả cửa hàng thẩm mỹ, quán karaoke, có cả dịch vụ Internet, cửa hiệu cho thuê váy cưới kèm ảnh chụp mỹ thuật. Dĩ nhiên là còn có nhiều nhà hàng, quán nhậu suốt dọc đường, làm cho khách lữ hành vơi đi mệt nhọc.

Từ km 15 ngã ba đi ra cảng Dân Tiến, bắt đầu địa phận thị xã Móng Cái, con đường được mở rộng hơn, nắn thẳng hơn, trạm kiểm soát liên ngành bên đường không ngừng công việc kiểm tra xe tải, xe khách, nhưng xem ra khá an nhàn, xe vào xe ra nhanh chóng một cách thông thoáng, thông cảm.

Cách cầu Ka Long 4 - 5 km, mấy năm trước còn hoang dại, nay trở thành dãy phố sầm uất, nhà 3 - 4 tầng, hàng bán phong phú. Tiếp đó là 3 toà nhà đồ sộ cao 7 - 8 tầng của người Trung Quốc đầu tư nhà hàng, khách sạn mấy năm nay. Nhưng sao vắng vẻ người ra vào, hỏi ra mới biết do không được phép mở casino, nên các chú máu me đỏ đen bên kia biên giới không còn hứng "đổ bộ" sang nữa.

Chẳng riêng nơi này, nhiều người Trung Quốc sang thuê đất xây siêu thị, nhà hàng to tát ở Móng Cái. Ngay liền kề cửa khẩu quốc tế Móng Cái là trung tâm thương mại 5 tầng Vinh Cơ cao rộng và sát cạnh, một trung tâm thương mại còn to hơn của tập đoàn Đông Thăng, chiếm 4 mặt phố, cũng đang gấp rút hoàn thành, đỏ rực biểu ngữ, quảng cáo bắt mắt.

Liền kề 2 trung tâm thương mại của Trung Quốc, là trung tâm thương mại Togi của người Việt, cũng to nhưng không bằng 2 tòa của người Hoa. Chợ trung tâm thị xã rất bề thế, nhưng thật ra lại là chợ của thương nhân Trung Quốc, còn chợ của người Việt thật sự là chợ số 2 và số 3 giống như các chợ nơi khác, mở suốt ngày, nhưng trừ rau dưa thì phần lớn hàng công nghệ cũng của Trung Quốc.

Vào khoảng 7 - 8 giờ mở cửa khẩu, dù trời cuối đông lạnh giá nhưng cửa khẩu Móng Cái tấp nập hẳn lên, người mình sang bên đó, người bên ấy sang ta, nhưng phần lớn vẫn là người Hoa. Chẳng khác gì dân buôn bên này, người Trung Quốc hầu hết không sang tay không, trừ người đi du lịch. Thôi thì anh vác bó hàng to gấp 10 người, ông thì hai tay lễ mễ túi bự, chị thì lếch thếch một lô, một đống hàng. Cánh xe ôm như mắc cửi, chỉ một loáng là cả một đống người và hàng hoá đã phóng tít về chợ trung tâm thị xã.

Cũng nhanh chóng không kém, khách bán hàng Trung Quốc chất đầy hàng trong sạp của trung tâm 4 tầng, cao ráo, sạch đẹp. Khách mua, khách bán đều quá quen thuộc, nên ít khi phải ra giá, cò kè mất thời giờ. Thật là qui củ, một đạo quân "cửu vạn" nhanh nhẹn dọn sạch gần như cả núi hàng chỉ trong vòng một buổi sáng.

Tương lai khu kinh tế cửa khẩu lớn nhất nước

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thị xã Móng Cái, lúc nào cũng suy nghĩ làm sao xây dựng Móng Cái mau lớn mạnh. Ông nói: "Móng Cái đã được Trung ương và tỉnh cho phép lập qui hoạch và xây dựng khu kinh tế cửa khẩu lớn nhất nước. Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của thị xã đã đạt xấp xỉ 6.000 tỉ đồng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ chiếm trên 70%, còn lại là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế cảng biển.

Tổng kim ngạch hàng hoá qua cửa khẩu Móng Cái thời kỳ 2001-2006 đạt 6.517 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 3.131,6 triệu USD (chủ yếu là than, cao su, antimoan); hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chuyển tải, quá cảnh, kho ngoại quan đạt 3.490,7 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2007 đạt 2.166 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ; ước cả năm 2007 đạt 2.400 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Thị xã có 5.150 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 800 hộ kinh doanh Trung Quốc, ước đạt 1.250 tỉ đồng doanh thu hàng hoá dịch vụ năm 2007, tăng 24,9% so với cùng kỳ, nộp thuế đạt 39,5 tỉ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ.Những con số đó nói lên sự phát triển của Móng Cái, song không phải không còn nhiều điều phải suy nghĩ, phải làm gấp.

Ông Nguyễn Minh Thái, Phó trưởng ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái, lại luôn bận rộn không phải chỉ do nhịp độ giao lưu thương mại nhộn nhịp hai bên cửa khẩu, mà còn lo không có chỗ để mở rộng địa điểm cửa khẩu. Thời gian đầu, cửa khẩu phía bên ta to hơn bên bạn, nhưng nay ngược lại, bên bạn rất lớn, hiện đại, còn bên ta trở nên chật chội, bãi kiểm tra hàng hoá thường xuyên quá tải.

Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phát triển nhanh, do đó đường giao thông, cửa khẩu, cảng, điện, nước không đáp ứng được yêu cầu. Cửa khẩu có nhiều phức tạp về phòng, chống buôn lậu, như lời ông Lê Mạnh Tùng, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, cho biết hải quan hai bên Móng Cái và Đông Hưng thường xuyên phối hợp thông tin, thống nhất cơ chế một cửa, chỉ kiểm tra hàng hoá một lần, tạo thuận tiện cho lưu thông hàng hoá qua lại biên giới. Sắp tới, hải quan Móng Cái sẽ áp dụng kê khai điện tử, sẽ có đại lý hải quan, càng tạo thuận lợi hơn cho khách hàng, như phía Trung Quốc đã làm.

Nhờ có những cải cách về thủ tục hải quan, nên năm 2007 cửa khẩu Bắc Luân đạt 2 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, chưa kể cửa khẩu Ka Long, cửa khẩu biển Vạn Gia và 11 kho ngoại quan. Móng Cái còn có mối lo lớn hơn thế. Thị xã biên giới đông bắc tỉnh Quảng Ninh này có 8 vạn dân, diện tích 516,5 km2, có 50km đường biên giới trên bộ và 22 km đường biên giới trên biển, tiếp giáp với thành phố Đông Hưng-Quảng Tây, trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng vào bậc nhất nước ta.

Ngoài cửa khẩu Móng Cái, còn có cửa khẩu tiểu ngạch Ka Long và điểm thông quan Lục Lầm. Không chỉ là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí quan trọng của trục kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, mà Móng Cái còn là cửa ngõ quan trọng, là điểm hội tụ trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, là vị trí hết sức quan trọng của hai hành lang kinh tế (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Côn Minh; Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Lạng Sơn-Quảng Tây) và một vành đai kinh tế quanh Vịnh Bắc Bộ.

Xác định hai mũi nhọn quan trọng, ngoài kinh tế cửa khẩu, là du lịch và nuôi trồng thuỷ sản, nhưng chính quyền thị xã tỏ ra còn lúng túng hoạch định một cách chủ động. Từ năm 2001, lượng du khách qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh, nhưng đến cuối năm 2004, Trung Quốc không cho phép khách du lịch bằng thẻ vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, thì lượng khách quốc tế giảm đáng kể. Tuy nhiên, năm 2007 vẫn có 2.850.000 lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, tăng 18% so cùng kỳ năm 2006, trong đó có có gần 400.000 du khách, tăng 8% so cùng kỳ (khách nước ngoài đạt gần 260.000 lượt, tăng 30% so cùng kỳ).

Tổng doanh thu của ngành du lịch năm 2006 đạt 219 tỉ đồng, bình quân hàng năm doanh thu tăng trưởng 30%. Ngoài du lịch, cửa khẩu biên giới, Móng Cái còn có bãi biển Trà Cổ dài 15 km với bờ cát trắng mịn thoai thoải hàng km, biển xanh thắm, tinh khôi vào hàng đầu khu vực.

Vậy mà cho đến nay, Trà Cổ vẫn chưa thu hút được đông đảo du khách, một phần do đường sá xa xôi, lắm khúc cua mệt mỏi, một phần do chưa có sân bay du lịch trong khu vực vịnh Bái Tử Long. Song không kém phần quan trọng, là do Móng Cái chưa có chiến lược du lịch, giống như nhiều nơi vẫn rơi vào tình trạng ăn đong, đầu tư chắp vá, nghèo nàn.

Nếu thị xã có ý thức qui hoạch nội thị thành các khu vực hành chính, thương mại, dân cư, kinh tế cửa khẩu khá rõ ràng, thì về mặt du lịch lại chưa có qui hoạch lâu dài và bền vững. Thương trường sôi động ngày đêm đã lấn át tư duy và kinh doanh du lịch, làm yếu đi một tiềm năng mà khó nơi nào có được vị thế trời cho như ở nơi này.

Do nguồn nước sông Ka Long bị cạn kiệt, nên mỗi tháng hai lần con nước lên xuống thường xuyên làm ách tắc 8-10 ngày tất cả tàu bè có trọng tải 40-50 tấn, chỉ có một số ít con đò nhỏ trọng tải 5-10 tấn mới lách được lúc triều lên. Lẽ ra thị xã và các cơ quan chức năng phải sớm nghĩ ngay đến xây dựng đập tràn ngăn nước cách chân cầu Ka Long 100 m về phía thượng nguồn. ổn định nước con sông, cửa khẩu Ka Long sẽ chuyên trách xuất nhập hàng tươi sống, giảm ùn tắc đường bộ.

Thời gian tới, ta và Trung Quốc sẽ xây dựng cầu Bắc Luân 2, mở ra sự tăng trưởng mạnh cho buôn bán giữa hai nước. Đảng bộ và chính quyền thị xã đã nhận ra những việc cần làm ngay, như đầu tư những công trình cấp bách về y tế, kênh mương, hồ đập, cảng nội địa, cấp nước, xử lý nước thải... Riêng đối với khu kinh tế cửa khẩu, Móng Cái đề nghị Chính phủ cho phép để lại 30-50% tổng thu ngân sách trên địa bàn để chi đầu tư phát triển, cũng như được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất về đầu tư trong nước và đầu tư ngoài nước.

Ông chủ tịch UBND thị xã cũng đề nghị Chính phủ mở rộng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái-Đông Hưng, bao gồm thương mại, công nghiệp, kho bãi, du lịch, dịch vụ; cho phép Móng Cái phát triển các khu dân cư ra bờ sông biên giới, giống như bên Đông Hưng đã làm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nâng cấp quốc lộ 18A, xây dựng đường cao tốc Hạ Long-Móng Cái...

Trước mắt, Móng Cái phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 6,7 - 6,8 tỉ USD, trong đó xuất khẩu là 2 tỉ USD, tổng thu ngân sách khoảng 2.760 tỉ đồng (trên 10% thu ngân sách của cả tỉnh).