Chuyên gia lo lắng khi Indonesia, Thái Lan bắt đầu nới hạn chế chống Covid-19
Số ca nhiễm mới còn cao, nhưng Indonesia và Thái Lan đã bắt đầu nới hạn chế đối với các nhà hàng và trung tâm mua sắm trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của phong toả đối với kinh tế...
Indonesia và Thái Lan bắt đầu dỡ các hạn chế chống Covid-19 khi số ca nhiễm mới giảm xuống. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại rằng số ca nhiễm mới có thể tăng trở lại vì tỷ lệ tiêm chủng ở hai nước này còn thấp.
Sau khi kiểm soát virus Sars-CoV2 tốt hơn nhiều nơi khác trên thế giới trong năm ngoái, Đông Nam Á đã trở thành một tâm dịch toàn cầu trong những tháng gần đây do sự xuất hiện của biến chủng Delta.
Ở thời điểm hiện tại, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đông Nam Á vẫn đang trong xu hướng tăng. Nhưng Indonesia và Thái Lan - hai nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất khu vực - đã bắt đầu nới hạn chế đối với các nhà hàng và trung tâm mua sắm trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của phong toả đối với kinh tế.
Indonesia ngày 1/9 ghi nhận 10.534 ca nhiễm mới, giảm 5 lần so với mức đỉnh hồi giữa tháng 7. Thái Lan cùng ngày báo cáo 14.802 ca nhiễm mới, giảm 37% so với mức đỉnh hồi trung tuần tháng 8.
Dù vậy, theo hãng tin Reuters, giới chuyên gia cho rằng việc nới hạn chế vào thời điểm này đi kèm nhiều rủi ro, bởi mức độ tiêm chủng còn thấp và điều kiện xét nghiệm thường xuyên trên diện rộng là không có. Trong khi đó, tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính vẫn trên ngưỡng 5% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Chúng tôi lo ngại về việc mở cửa trở lại trong khi chưa đáp ứng được tất cả các điều kiện mà WHO đề xuất”, ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, nói với Reuters.
“Với biến chủng Delta lây lan nhanh và với tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, số ca nhiễm mới rất có thể lại tăng mạnh trong những ngày tới”.
Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính gần đây ở Indonesia là 12%, ở Thái Lan là 34%.
“Sự giám sát không được tốt cho lắm, chúng ta vẫn cần phải thận trọng”, nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko Wahyono thuộc Đại học Indonesia nhận định.
Kể từ đầu đại dịch, Indonesia đến nay đã có hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 133.000 ca tử vong do Covid-19. Thái Lan có 1,2 triệu ca nhiễm và 11.841 ca tử vong.
Tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 1 mũi tại cả hai nước hiện đạt khoảng 30%. Tỷ lệ tiêm đủ ở Indonesia là 17%, còn ở Thái Lan là 11%. Tại hai thủ đô Jakarta và Bangkok, tỷ lệ tiêm đạt mức cao hơn so với bình quân toàn quốc.
Theo quy định được nới lỏng, tại Jakarta và một số khu vực thuộc đảo Java của Indonesia, nhà hàng trong các trung tâm thương mại có thể đón khách tối đa 50% công suất. Các trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 9h tối, trong khi các nhà máy được phép hoạt động 100% công suất.
Bangkok và 28 tỉnh thành khác có dịch bùng mạnh nhất ở Thái Lan được mở cửa trở lại các nhà hàng, với công suất từ 50-75%, đến 8h tối hàng ngày. Quy định đối với các trung tâm mua sắm cũng tương tự.
“Tình hình đang tốt lên vì nhiều người đã được tiêm vaccine và mọi người cũng cẩn trọng hơn”, Orrapin Peenanee, một thực khách đi ăn nhà hàng ở Bangkok, lạc quan nói.
Lợi ích kinh tế của việc nới lỏng các hạn chế là hiểu được - chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm Dale Fisher thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore nói. Tuy nhiên, ông Fisher nhấn mạnh rằng các nước nới hạn chế cần phải đẩy mạnh việc tiêm vaccine.
“Khi một nước nới phong toả, sẽ có hai khả năng xảy ra, một là họ sẽ phải phong toả trở lại, hai là họ trở nên mạnh hơn. Kết quả thế nào tuỳ thuộc vào việc tiêm vaccine”, vì chuyên gia nói.