23:30 21/12/2020

Chuyên gia tin vaccine hiện có chống được biến thể mới của Covid-19 phát hiện ở Anh

Bình Minh

Nhiều chuyên gia nói rằng những vaccine ngừa Covid-19 hiện có sẽ hiệu quả trong việc chống lại sự lây nhiễm biến thể mới

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Những vaccine ngừa Covid-19 hiện có sẽ hiệu quả trong việc chống lại sự lây nhiễm biến thể mới của virus corona - nhiều chuyên gia nói với hãng tin CNBC ngày 21/12.

Nhận định này được đưa ra sau khi Anh vào hôm thứ Bảy cho biết đã phát hiện một biến thể mới của Covid-19 có khả năng lây lan nhanh hơn những biến thể trước đây. Sau công bố của Anh, một loạt quốc gia gồm Italy, Đức, Canada và Israel đã cấm các chuyến bay từ Anh.

Giáo sư Vin Gupta từ Viện Thông số và đánh giá y tế thuộc Đại học Washington nói rằng ông tin tưởng những vaccine hiện có sẽ bảo vệ được người tiêm khỏi bị nhiễm Covid-19 biến thể mới.

"Có một sự tin tưởng mạnh mẽ rằng vaccine hiện nay sẽ phát huy tác dụng ngăn chặn lây nhiễm biến thể mới từ Anh, bên cạnh biến thể cũ mà chúng ta đã phải chống lại từ nhiều tháng nay", ông Gupta nói. Theo ông, đó là bởi ở cấp độ gen, biến thể mới có thể "rất tương đồng" với nhưng biến thể trước.

Vị giáo sư nói thêm rằng các vaccine ngừa Covid-19 hiện nay mang lại "phản ứng thực sự mạnh trong cơ thể trong việc sản sinh ra kháng thể".

Theo kết quả thử nghiệm, vaccine của cả Pfizer-BioNTech và Moderna đều đạt hiệu quả khoảng 95% trong ngừa Covid-19. Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn và triển khai tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine của Pfizer. Mỹ và Canada là hai nước khác trong số vài quốc gia đã phê chuẩn vaccine này.

"Hiệu quả của những vaccine này trong việc tạo ra kháng thể có khả năng thực sự tấn công và tiêu diệt Covid-19 là phi thường", ông Gupta nói. "Tôi không cho rằng những thay đổi nhỏ ở cấp độ gen của biến thể mới của Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine trong thời gian trước mắt".

Tuy nhiên, những phiên bản tương lai của vaccine ngừa Covid-19 có thể cần phải tính đến biến thể mới của virus, tương tự như cách mà vaccine cúm được cập nhật, ông nhấn mạnh. "Đó là vấn đề của tương lai và sẽ không ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vaccine trong ngắn hạn".

Tiến sỹ Vivek Murthy, người được chọn cho vị trí quan chức cấp cao nhất về sức khỏe cộng đồng tại Mỹ (Surgeon General) trong nội các của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đưa ra nhận định tương tự khi trả lời phỏng vấn kênh NBC.

"Không có lý do gì để cho là vaccine hiện có sẽ không hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của virus corona được phát hiện ở Anh", ôn Murthy nói và nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới gây tỷ lệ tử vong cao hơn. "Chúng tôi không có thay đổi nào trong những khuyến cáo y tế, bởi mỗi cá nhân đều có thể giúp giảm sự lây lan của virus này. Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và rửa tay… đây vẫn là những trụ cột để ngăn sự lây lan của Covid".

Giáo sư về miễn dịch học Danny Altmann thuộc trường Imperial College London đồng quan điểm với hai vị chuyên gia nói trên.

"Tôi cảm thấy lo vì từ đầu đại dịch tới nay, chúng tôi đã chứng kiến nhiều đột biến của virus corona trên toàn cầu, có tới hàng nghìn đột biến. Tuy nhiên, biến thể của virus mới được phát hiện có nhiều đột biến hơn các biến thể trước đây", ông Altmann noi với CNBC. Theo ông, có 17 đột biến "có vẻ như là nguyên nhân dân tới sự mất kiểm soát virus như chúng ta đã thấy ở London và khu vực Đông Nam nước Anh trong những tháng gần đây".

Tuy vậy, giáo sư Altmann cho rằng với sự đa dạng về kháng thể mà các vaccine Covid-19 hiện có tạo ra trong cơ thể người tiêm, khó có chuyện biến thể mới của virus có thể gây bệnh.

Nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm Andrew Freedman thuộc Đại học Cardiff nói với CNBC rằng nhiều khả năng biến thể mới của Covid-19 sẽ bị đán bại bởi năng lực của những vaccine hiện có.

"Điều đó là có thể, xét tới việc những vaccine hiện nay cung cấp miễn dịch tới những vùng khác nhau của gai protein, chứ không chỉ những nơi có đột biến", ông giải thích. "Dĩ nhiên, có thể có những đột biến trong tương lai khiến vaccine trở nên kém hiệu quả hơn".