16:29 26/11/2009

Citi lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm tới

Minh Đức

Tập đoàn ngân hàng Citi dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh và bền vững trong năm 2010

Nhóm nghiên cứu của Citi nhận định sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều.
Nhóm nghiên cứu của Citi nhận định sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều.
Nhóm nghiên cứu và phân tích đầu tư toàn cầu của tập đoàn ngân hàng Citi vừa công bố báo cáo nghiên cứu kinh tế hàng năm “Tiềm năng của các nền kinh tế và thị trường tài chính năm 2010”.

Báo cáo này cho rằng, sau cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong hàng thập kỷ nay, bây giờ có thể hy vọng vào sự hồi phục toàn cầu bền vững, nhưng không đồng đều.

Hấu hết các nền kinh tế lớn đã thoát khỏi suy thoái trong quý 2 và 3 năm nay và Citi dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng đi lên nhiều hơn là đi xuống. Tháng này, Citi đã tăng dự đoán tăng trưởng GDP năm 2010 đối với Mỹ, Nhật, Anh, Australia, New Zealand, Hồng Kông, Hàn Quốc, Hungari, Ba Lan, Séc, Thổ Nhĩ Kỳ…

Trong bản báo cáo trên, nhóm nghiên cứu nhận định sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều. Đà tăng trưởng mạnh sẽ vẫn được duy trì ở châu Á (không kể Nhật Bản); phục hồi khá mạnh mẽ ở Mỹ và phục hồi từng bước trong trung hạn tại châu Âu và Nhật Bản.

Tăng trưởng kinh tế của châu Á vượt trội so với các vùng khác, dẫn đầu là Trung Quốc. “Với sự hồi phục sớm hơn và nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, tiếp sức bởi sự tăng tốc độ luân chuyển hàng tồn kho, các biện pháp kích cầu quyết liệt, cũng như đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ tại Trung Quốc, chúng tôi dự đoán sự hồi phục kinh tế của châu Á sẽ tăng đà vào năm 2010”, báo cáo của Citi viết.

Một dự báo khác được đưa ra là lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2010. Phục hồi kinh tế đã kích thích tăng lãi suất ở một số nước, nhưng ít có khả năng các ngân hàng trung ương thay đổi chính sách sớm hoặc mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng “dự phòng” rằng, những biện pháp đang được sử dụng hiện nay là chưa từng có và chưa được thử thách, và quy mô của chúng bắt buộc các ngân hàng trung ương phải bắt đầu xây dựng chiến lược rút lui để giảm thiểu rủi ro.

Báo cáo của Citi dự báo lạm phát toàn cầu trong năm tới sẽ ở mức thấp. Với năng lực dự trữ lớn ở hầu hết các nước công nghiệp, tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ dịu đi một cách bất thường (trừ trường hợp đặc biệt của nước Anh), hầu hết các nền kinh tế lớn cho phép ngân hàng trung ương duy trì các chính sách kích cầu thêm một giai đoạn nữa.

Với Việt Nam, ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citi tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế 6% trong những năm tới, một tỷ lệ cao so với toàn cầu. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế về cơ cấu để thu hút đầu tư, ví dụ như ổn định chính trị, mặt bằng chi phí thấp, những yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và việc thực hiện dần dần các cải cách cơ cấu theo tiến trình gia nhập WTO”.

Tuy nhiên, ông Brett Krause cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đưa con số tăng trưởng trở lại gần với mức cao lịch sử, ví dụ như cải thiện hệ thống ngân hàng hoặc đấy nhanh tiến trình cải cách…