10:34 26/08/2008

Có “bỏ quên” lao động di cư?

Dũng Hiếu

Hiện có 3 dòng lao động di cư chủ yếu: từ nông thôn đến nông thôn, từ nông thôn ra thành thị và từ trong nước ra nước ngoài

Lao động di cư từ nông thông ra thành thị đang chờ việc.
Lao động di cư từ nông thông ra thành thị đang chờ việc.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh, số lao động di cư rất lớn, tạo thành những dòng người từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm. Họ ra đi mong để cải thiện cuộc sống.

Thế nhưng, không ít những vấn đề phát sinh từ lao động di cư ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Đã có nhiều hành động tích cực để góp phần giải quyết các vấn đề về công nhân, lao động di cư, trong đó có việc tham gia cùng Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; nâng cao nhận thức về quan hệ lao động và tham gia các chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân... Song, bức tranh lao động di cư hiện nay vẫn xám nhiều hơn màu sáng.

Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc hội thảo “Thực trạng về lao động di cư và vai trò của Tổ chức công đoàn” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia quản lý lao động, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, chú trọng lao động di cư, phòng chống các phát sinh tiêu cực, nhất là tình trạng buôn bán người nảy sinh từ lao động di cư.

Lao động di cư đối mặt nhiều rủi ro

Theo điều tra Tổng cục Thống kê, trong số lao động di cư từ nông thôn đến thành thị, 2/3 là lao động trẻ (15-29 tuổi); hơn 50% là di cư để tìm việc làm và 47% là để cải thiện điều kiện sống.

Đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng có 19% lao động di cư đến Tây Nguyên, 18% đến Tp.HCM và 17% đến các khu công nghiệp Đông Nam Bộ. Thực tế, lao động ở các khu công nghiệp - khu chế xuất là lao động ngoại tỉnh, chủ yếu đến từ các vùng quê nông thôn.

Hiện cả nước có hơn 150 khu công nghiệp phân bố ở 55 tỉnh, thành trên cả nước với khoảng 1 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có 700.000 người lao động di cư từ các tỉnh khác hoặc huyện khác đến. Một điều tra khác của Viện Khoa học lao động và xã hội cũng cho thấy, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, về cơ bản,  những người lao động di cư đều tìm được việc làm, 75% trong số họ cho rằng tình trạng việc làm của họ tốt hơn rất nhiều so với trước khi di cư.

Thu nhập của người lao động di cư thấp hơn lao động tại chỗ 20%. Điều này có thể hoàn toàn có thể lý giải được, bởi từ nông thôn ra, những người lao động di cư này chưa qua đào tạo, trình độ tay nghề rất thấp nên mức lương thấp.

Theo ông Chính, với mức hơn 1 triệu đồng/tháng trong điều kiện nhà ở, sinh hoạt đều phải thuê mướn, người lao động không đủ trang trải chi phí cá nhân và bức bối vì tiền lương không đủ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt cuộc đình công diễn ra gần đây tại các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Bên cạnh đó, lao động di cư hiện nay phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Các vấn đề xã hội phát sinh từ đó cũng khá gay gắt. Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh và các phúc lợi xã hội khác nên đa số họ sống tạm bợ, chật chội, vệ sinh môi trường rất kém và an ninh trật tự không được đảm bảo.

Theo TS. Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đáng sợ hơn, nhiều lao động đã bị lợi dụng, bị buôn bán.

Vai trò của công đoàn?

Vai trò của tổ chức công đoàn rất quan trọng trong vấn đề lao động di cư. Ông Mai Đức Chính cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để giải quyết các vấn đề về công nhân lao động.

Cụ thể là tham gia với Nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quan tâm đến đời sống người lao động, nâng cao nhận thức của người lao động về quan hệ lao động; tham gia các chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân...

Theo bà Elsa Ramos, chuyên gia cao cấp về hoạt động công nhân của ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lao động di cư luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của ILO, bởi trong bối cảnh hiện nay, những quyền lợi, điều kiện cơ bản của người lao động di cư rất dễ bị xâm phạm.

Trong hoạt động của mình, tổ chức công đoàn Việt Nam cần ưu tiên vấn đề người lao động di cư, bởi thực tế hiện nay, hàng năm Việt Nam đang có số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài và số lượng người lao động nông thôn đến các khu công nghiệp, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm... tìm việc ngày càng gia tăng.

Hiện có 3 dòng lao động di cư chủ yếu, đó là di cư từ nông thôn đến nông thôn, từ nông thôn ra thành thị và từ trong nước ra nước ngoài. Lao động di cư có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là khu vực nông thôn; tham gia vào phân công lao động trong nước và thị trường lao động thế giới. Lao động di cư góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là việc làm và xóa đói giảm nghèo...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lao động di cư cũng đang nảy sinh những vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp cần được các cơ quan chức năng tích cực giải quyết... Bà Elsa Ramos cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng tới vấn đề lao động di cư. Bởi thực tế hiện nay, ở bất kỳ quốc gia nào, lao động di cư cũng chiếm số lượng rất lớn. Những vấn đề xã hội phát sinh từ đó không hề đơn giản. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Được biết, một kế hoạch hành động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của lao động di cư đang được soạn thảo. Trong đó có việc kiến nghị Chính phủ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi cả nước, đặc biệt là khu vực nông thôn. Khuyến khích phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để tạo việc làm tại chỗ, hạn chế dòng lao động di cư từ nông thôn đến thành thị.