23:49 13/04/2023

Cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu” khiến các công trình đều “suy dinh dưỡng”

Vũ Khuê

Ở đâu có ép giá, ép tiến độ ở đó không có chất lượng đồng hành. Các công trình sinh ra theo cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu” đều “suy dinh dưỡng”…

Doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu.
Doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu.

Ngày 13/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023).

QUY ĐỊNH QUÁ CỨNG VỀ HÀNH VI CHUYỂN NHƯỢNG THẦU

Lĩnh vực xây dựng và bất động sản đóng góp khoảng 12% trong GDP của cả nước. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng các quy định trong Luật sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo, tăng tính thống nhất với các luật liên quan, tạo động lực tăng trưởng cho ngành trong thời gian tới.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, thi công xây dựng công trình.... ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex thừa nhận, các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu trong đó vấn đề chuyển nhượng thầu khiến doanh nghiệp đau đầu.

Cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu” khiến các công trình đều “suy dinh dưỡng” - Ảnh 1

Ông Hải phân tích, pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu đều quy định thống nhất, cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu (không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện).

Theo dự thảo Luật có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, theo đó ngay từ bước dự thầu nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.

Song thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành giao thông vận tải, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu.

Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ. Hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác.

Khi đó có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.

“Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh.

Để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại diện Vinaconex đề nghị xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cho phép các Tập đoàn, Công ty mẹ được phép giao cho Công ty con thực hiện một hoặc một số công việc của gói thầu. Trường hợp cần thiết để chặt chẽ, cần bổ sung quy định Tập đoàn, Công ty mẹ phải duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối cho đến khi hoàn thành gói thầu.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex: "Vấn đề chuyển nhượng thầu khiến doanh nghiệp đau đầu". 
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex: "Vấn đề chuyển nhượng thầu khiến doanh nghiệp đau đầu". 

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng vấn đề chuyển nhượng thầu và khái niệm bán thầu không rõ ràng.

Chuyền nhượng thầu là hành vi bị cấm trong đấu thầu (khoản 8 Điều 16), hành vi chuyển nhượng thầu có thể xem là hành vi bán thầu, nhưng nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn giữa nhà thầu phụ với chuyển nhượng thầu hay gọi là bán thầu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói thầu xuất hiện nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước được, vì vậy luật có thể cho áp dụng hình thức nhà thầu phụ ngoài danh mục nhà thầu phụ đã đăng ký ở giai đoạn đấu thầu hoặc hình thức nhà thầu phụ của nhà thầu phụ được chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận một phần khối lượng đã nhận thầu để tránh tình trạng tổng thầu hay nhà thầu chính giao thầu không đúng luật.

PHẢI KIỂM SOÁT SAU ĐẤU THẦU

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) góp ý, điều 72 liên quan tới bổ sung hồ sơ mời thầu trong các dự án PPP. Đây là câu chuyện từ phía ngân sách bổ sung khi tiến hành các dự án, nhưng không giao cho các nhà đầu tư đang thực hiện mà giao cho nhà đầu tư khác làm. Vì vậy, điều 72 điểm C – cần nêu được nội dung “bổ sung vốn” cũng như “giao cho các nhà đầu tư đang thực hiện để thực hiện”.

Đối với nhà thầu xây lắp, ông Chủng chia sẻ: “Từ hồi làm Cục trưởng (Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng -Bộ Xây dựng) và cho tới nay tôi rất dị ứng với nội dung quy định trong đấu thầu xây lắp, đó là giá thấp nhất thắng thầu. Bởi đã đồng nhất hàng hoá là sản phẩm xây lắp với hàng hoá thông thường”.

Hàng hoá thông thường như tivi, ô tô, thuốc… đều nhìn thấy, nhưng gói thầu xây lắp phải 3-10 năm sau mới nhìn thấy. Ở đâu có ép giá, ép tiến độ ở đó không có chất lượng đồng hành”, ông Chủng nhấn mạnh. Bởi các công trình sinh ra theo cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu” đều “suy dinh dưỡng”, lẽ ra 80 tuổi mới đổ bệnh thì các công trình này 30-40 đã đổ bệnh. Do vậy ông Chủng cho rằng cần xem lại quy định “giá thấp nhất thắng thầu”.

Ngoài ra, Điều 79 nói đến trách nhiệm của bên giao thầu, theo ông Chủng, khi đấu thầu xong chúng ta rất hoan hỉ, nhưng việc thực hiện gói thầu sau đó không ai biết. Vì vậy, cần bổ sung trách nhiệm của người giao thầu là phải kiểm soát sau đấu thầu. “Đấu thầu hồ sơ rất đẹp, nhưng ra hiện trường toàn "quần đen, đội nón, đi dép lê", ai chịu trách nhiệm?”, ông Chủng nói.

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI: "Tôi rất dị ứng với nội dung quy định trong đấu thầu xây lắp, đó là giá thấp nhất thắng thầu".  
PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI: "Tôi rất dị ứng với nội dung quy định
trong đấu thầu xây lắp, đó là giá thấp nhất thắng thầu".  

Đồng tình, ông Dương Văn Cận nhấn mạnh, vấn đề quản lý thực hiện sau kết quả đấu thầu không được pháp luật quy định. Hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định đang bị đứt đoạn giữa giai đoạn đấu thầu và giai đoạn thực hiện hợp đồng.

Luật đấu thầu không có phần chế tài quy định quản lý thực hiện kết quả sau đấu thầu. Dự thảo ngày 05/4/2023 mới đưa thêm Điều 69. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng – đưa ra 3 nguyên tăc còn rất sơ sài không có nội dung mang tính pháp lý. Những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu thực hiện gói thầu là những chế tài cần được quy định trong nội dung của Điều này.

Trong dự thảo quy định nội dung công tác “Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” (Điều 89) cũng chỉ quy định công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hợp đồng. Không có hướng dẫn, không có chế tài nên khi thực hiện nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng, … Đây chính là tình trạng làm “hồ sơ đẹp” trong giai đoạn đấu thầu.

“Luật đấu thầu cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả”, ông Cận kiến nghị.

Đồng tình, ông Chủng cho biết chưa tìm thấy nội dung “khích lệ ứng dụng khoa học công nghệ” trong dự thảo để cổ vũ ứng dụng công nghệ trong các công trình xây dựng. Đơn cử như hầm chui An Khánh gia cố rất yếu, đáng lẽ phải 9 tháng nhưng quyết định 3 tháng đưa vào khai thác. Khai thác được 6 tháng thì lún 1,1m.