14:29 09/01/2024

Có chính sách đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế khi cải cách tiền lương

Thu Hằng

Từ ngày 1/7 tới đây sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới, ngành Y tế cần nghiên cứu, đề xuất, có chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Cùng với đó, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, giỏi chuyên môn...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024. Ảnh - Tuấn Dũng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024. Ảnh - Tuấn Dũng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh yêu cầu này khi dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, ngày 9/1 tại Hà Nội.

GỠ "NÚT THẮT" TRONG THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ

Nhìn lại năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, cạnh tranh chiến lược, xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp làm các chuỗi cung ứng nói chung bị đứt gãy, trong đó có thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Cùng với đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…, làm cơ cấu dịch bệnh có nhiều thay đổi, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm tăng trong khi bệnh truyền nhiễm vẫn còn nguy cơ cao; công tác ứng phó của ngành y ngày càng khó khăn, vất vả.

Quy mô dân số ngày càng tăng, công việc thường xuyên của các cấp, các ngành, nhất là ngành y ngày càng nhiều. Đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe.

Đáng chú ý, số lượt khám chữa bệnh tăng cao sau dịch Covid-19 gây quá tải ở nhiều cơ sở y tế, làm gia tăng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, y tế...

Thực tế xảy ra tại một số bệnh viện lớn, nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Hơn nữa, đã xuất hiện tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trước nhiều khó khăn, ngành y vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023. Ngành đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 7/9 chỉ tiêu cụ thể về y tế.

Hoạt động khám chữa bệnh thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tiếp tục được tăng cường. Chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên.

Ngành Y tế cũng đã giải quyết cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tháo "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng được nâng lên; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Ngành cũng tiếp tục làm chủ thêm nhiều kỹ thuật cao. Đơn cử năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép đa tạng tim - thận cùng lúc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh - Tuấn Dũng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh - Tuấn Dũng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Một trong số vấn đề được Phó Thủ tướng đề cập đến là nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho ngày y tế còn hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ...

THỰC HIỆN LỘ TRÌNH TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ 

Nêu những phương hướng, nhiệm vụ cho ngành Y tế trong năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.

Ngành cũng cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tuấn Dũng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tuấn Dũng.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Ngành cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. 

Cùng với đó, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ quan trọng nữa được Phó Thủ tướng giao ngành là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong năm 2024, Bộ Y tế cần xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…

Liên quan đến chế độ cho cán bộ y tế, Phó Thủ tướng đề nghị ngành nghiên cứu, đề xuất, có chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.

Nhấn mạnh từ ngày 1/7 tới đây sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, xét thăng hạng cho viên chức y tế, xây dựng bảng lương mới cho ngành theo đúng thời hạn quy định.

Đối với lĩnh vực dược, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc Generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.

Một vấn đề nữa là nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng...