13:06 01/07/2022

Cổ đông chất vấn lãnh đạo Interserco về khoản nợ khó đòi, tình trạng sử dụng đất

Đỗ Mến

Ngày 30/6, Công ty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế INTERSERCO (mã chứng khoán: ILS- UPCoM) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên...

ILS tổ chức ĐHĐCĐ thành công sau nhiều lần hoãn.
ILS tổ chức ĐHĐCĐ thành công sau nhiều lần hoãn.

Tại ĐHĐCĐ này cũng bầu mới HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027, trong đó UBND thành phố Hà Nội đề cử ông Triệu Văn Bằng, bà Phùng Thúy Hoa vào HĐQT và bà Ngô Thị Hoàng Yến vào Ban Kiểm soát. Nhóm cổ đông Công ty cổ phần Logistics hàng không (ALS) đề cử ông Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thịnh vào HĐQT và ông Nguyễn Trung Dũng vào Ban Kiểm soát.

ĐHĐCĐ thông qua thành viên HĐQT gồm 5 người là ông Phùng Tiến Toàn, bà Phùng Thúy Hoa, Triệu Văn Bằng, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thịnh. Thành viên Ban kiểm soát gồm 3 người là Ngô Thị Hoàng Yến, Nguyễn Minh Hảo và Nguyễn Trung Dũng.

Năm 2021, ILS đạt doanh thu hợp nhất 291 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 17,42 tỷ đồng (năm 2020 lợi nhuận sau thuế là âm 2,1 tỷ đồng). Năm 2022 công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm 12,77 tỷ đồng, doanh thu công ty mẹ 189,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 20,5 tỷ đồng. Kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2016 đến nay ILS chưa từng chia cổ tức.

Theo báo cáo HĐQT, trong thời gian qua HĐQT công ty đã thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại nhiều công ty như CTCP Đầu tư công nghiệp hóa chất Lào Cai; CTCP dịch vụ Xuất nhập khẩu quốc tế Inter Food; Công ty TNHH khai thác chế biến đá An Bình; CTCP interserco-CB; CTCP interserco 19; CTCP thương mại và dịch vụ DIN-interserco Việt Nam; CTCP Logistics Tây Ninh; CTCP thương mại và dịch vụ tổng hợp An Bình; CTCP kinh doanh dịch vụ interserco Hà Nội; CTCP Tập đoàn đầu tư tài chính vàng Việt Nam; công ty TNHH thương mại Kim Thanh; Công ty TNHH interserco Cao Bằng.

Tại phần thảo luận, cổ đông chất vấn các thương vụ thoái vốn này có thuê thẩm định giá hay không, việc thoái vốn có đi kèm với chuyển dịch quyền sử dụng đất hay không, có được cơ quan quản lý vốn nhà nước phê duyệt giá khởi điểm thoái vốn hay không, việc tổ chức thoái vốn có bán đấu giá công khai hay không… Song chủ tọa “xin khất” và cho biết sẽ trả lời sau bằng văn bản.

Ngoài ra, cổ đông còn đặt câu hỏi, ILS có chuỗi dài nhiều năm liên tục kết quả kinh doanh kém, không chia cổ tức, vậy ai là người ký các hợp đồng gây ra các khoản nợ khó đòi khiến công ty phải trích lập dự phòng, ai chịu trách nhiệm về việc gây ra các khoản trích lập dự phòng nhiều tỷ đồng gây ra thua lỗ các năm qua? Tuy nhiên chủ tọa cũng lờ đi không trả lời.

Chủ tịch đoàn cũng không trả lời yêu cầu của cổ đông đòi công bố công khai tình trạng sử dụng các lô đất của công ty hiện nay ra sao, có sử dụng đúng mục đích được nhà nước giao hay không.

Interserco là thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ kho vận và logistic. Công ty IPO từ đầu tháng 6/2016, có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 45% do UBND thành phố Hà Nội quản lý, Công ty Logistic Hàng không (ALS) nắm giữ 27% vốn điều lệ.

Khi cổ phần hóa, ILS và các công ty con nắm giữ khá nhiều lô đất vàng, ví dụ như lô đất 17 Phạm Hùng nằm ở ngã tư Phạm Hùng- Tôn Thất Thuyết có diện tích 47.029 m2 (nằm trong tổng thể 55.250 m2 được giao theo Quyết định 679/QĐ-UBND ngày 23/1/2003), lô đất tại 358 đường Láng- Q. Đống Đa có diện tích 2716 m2, lô đất tại Cụm 4 xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức diện tích 21.081 m2, lô đất Cảng Hồng Hà, 302 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, lô đất của trường trung cấp nghề INTERSERCO ở xã Vân Canh-huyện Hoài Đức và nhiều lô đất khác.

Hiện nay, ILS đang triển khai dự án xây dựng cảng cạn mới ở Hoài Đức, Hà Nội với diện tích 18 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1500 tỷ. Trong bối cảnh nhu cầu rất lớn về dịch vụ cảng cạn ICD trên thị trường hiện nay, đây là dự án được công ty đặt nhiều kỳ vong.

Mặc dù nắm giữ nhiều lợi thế lớn, nhưng kết quả kinh doanh của ILS các năm qua khá lẹt đẹt.