31 tỷ phú có tài sản nhiều hơn tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ
Nếu đem so với tài sản của các tỷ phú trong Bloomberg Billionaires Index, có 31 người sở hữu tài sản nhiều hơn mức tiền mặt của Chính phủ liên bang Mỹ...
Mức tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ đang giảm xuống mức thấp nguy hiểm trong bối cảnh Washington vẫn đang chờ tới phút chót để Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận về nâng trần nợ công vừa đạt được giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Theo dữ liệu liên bang tính tới ngày hết ngày 25/5, Bộ Tài chính Mỹ chỉ có 38,8 tỷ USD tiền mặt, giảm từ mức hơn 200 tỷ USD hồi đầu tháng và gần sát mức sàn 30 tỷ USD.
Nếu đem so với tài sản của các tỷ phú trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, có 31 người sở hữu tài sản nhiều hơn mức tiền mặt của Chính phủ liên bang Mỹ. Trong đó, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, chủ tịch “đế chế” hàng xa xỉ LVMH, sở hữu tài sản lên tới 193 tỷ USD. Còn ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, có 185 tỷ USD; ông Jeff Bezos, người sáng lập công ty thương mại điện tử Amazon, có 144 tỷ USD.
Danh sách 31 tỷ phú nói trên còn có những cái tên nổi tiếng như Bill Gates (125 tỷ USD), Steve Ballmer (113 tỷ USD), Warren Buffett (111 tỷ USD), Mark Zuckerberg (92,3 tỷ USD), Carlos Slim (90,3 tỷ USD); và cả những cái tên ít nổi hơn như tỷ phú Pháp Francois Pinault (39,6 tỷ USD) và tỷ phú Trung Quốc Zhong Shanshan (61,6 tỷ USD)…
Ngày 28/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt thoả thuận cuối cùng về nâng trần nợ, đồng thời tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn thoả thuận trong tuần này. Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về vấn đề này để ngăn một vụ vỡ nợ liên bang vào ngày 5/6 tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ công vào ngày 5/6, Chính phủ sẽ không có đủ tiền để chi trả đầy đủ và đúng hạn cho tất cả các nghĩa vụ quốc gia.
Theo các nhà phân tích, những ngày sắp tới sẽ quyết định liệu Mỹ có thực sự thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc, hay “cơn ác mộng” vỡ nợ sẽ trở thành hiện thực nếu thoả thuận không được Quốc hội phê chuẩn và nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Cú sốc về việc Chính phủ Mỹ không thể thực hiện các nghĩa vụ nợ đúng hạn sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính - cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, các công cụ phái sinh - trước khi lan ra toàn bộ nền kinh tế.
Tác động sẽ nhanh chóng lan rộng từ thị trường tài chính sang nền kinh tế rộng lớn hơn. Sự sụt giảm của cải hộ gia đình trên toàn quốc do bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, điều này cũng sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp.
Tác động mạnh mẽ nhất có thể là việc tạm dừng các khoản thanh toán liên bang thường xuyên cho hàng chục triệu gia đình Mỹ, bao gồm cả những người cao tuổi nhận bảo hiểm y tế Medicare, An sinh xã hội và những người dựa vào phiếu thực phẩm. Cùng với đó, việc vỡ nợ có thể làm tổn hại đến uy tín và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Không chỉ Mỹ, nền kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng nếu nước này vỡ nợ. Nhiều quốc gia bảo vệ tài chính của họ bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ - vốn được xem là một trong những tài sản an toàn nhất trên thế giới. Nhưng việc vỡ nợ có thể làm giảm giá trị của những trái phiếu đó, làm tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia.