09:32 02/12/2008

Cơ hội từ… biến đổi khí hậu

Thùy Trang

"Biến đổi khí hậu là một rủi ro cao, đồng thời cũng là một cơ hội vô cùng lớn, đặc biệt cho những nước như Việt Nam"

Một tranh biếm họa về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề đã trở thành trọng tâm trong tất cả các hoạt động của IFC và nhóm Ngân hàng Thế giới.
Một tranh biếm họa về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề đã trở thành trọng tâm trong tất cả các hoạt động của IFC và nhóm Ngân hàng Thế giới.
Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), bà Rachel Kyte, vừa có chuyến thăm Việt Nam cuối tuần qua.

Trong cuộc gặp mới đât với chúng tôi, bà đã đưa ra cách nhìn nhận của IFC trong việc khuyến khích khu vực tư nhân tận dụng những cơ hội từ tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, chứ không chỉ đối phó với những tác động tiêu cực mà nó mang lại.

IFC coi biến đổi khí hậu là một cơ hội

Biến đổi khí hậu là vấn đề phát triển mới ở Việt Nam và được dự báo có tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?


Đúng là biến đổi khí hậu đang được coi là một trong những vấn đề phát triển ưu tiên hàng đầu. Cách đây vài năm thôi thì nó chưa phải là vấn đề “nóng” đến như vậy.

Đây là một vấn đề phát triển cần được đặt lên hàng đầu bởi vì chính người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, do họ không có đủ điều kiện và năng lực để đối phó, để thay đổi cuộc sống hay tiếp nhận những công nghệ mới đắt tiền hơn. Biến đổi khi hậu đã trở thành trọng tâm trong tất cả các hoạt động của IFC và nhóm Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải hiểu rõ rằng cả thế giới đều đã biết được những biện pháp cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, vấn đề ở đây không phải là do chúng ta chưa có giải pháp mà là làm cách nào để mở rộng quy mô các giải pháp đó. Đây chính là thách thức mà chúng ta phải giải quyết trong khi đối phó với biến đổi khí hậu.

Điều này giải thích tại sao IFC coi biến đổi khí hậu là một cơ hội, bởi vì đó chính là công cuộc tìm kiếm cách thức đầu tư cho những giải pháp ở quy mô lớn - những giải pháp đã có sẵn nhưng chưa được triển khai ở quy mô lớn.

Cụ thể những lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, thưa bà?

Rất tiếc là tôi phải khẳng định rằng tất cả các ngành kinh tế đều sẽ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Vị trí địa lý của Việt Nam khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước những biến đổi khí hậu cả về hình thái khí hậu khi mực nước biển tăng, lẫn diện tích đất canh tác sẽ bị thu hẹp. Nếu không có những biện pháp phù hợp và hiệu quả để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, hậu quả sẽ là khôn lường.

Chúng ta nhận định biến đổi khí hậu là một rủi ro cao, đồng thời cũng là một cơ hội vô cùng lớn, đặc biệt cho những nước như Việt Nam để thay đổi con đường phát triển của mình mà không gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, vẫn duy trì được các thành tựu tăng trưởng từ trước đến nay.

Xin lưu ý rằng chúng tôi nhìn vấn đề biến đổi khí hậu thông qua lăng kính của những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, chứ không xuất phát từ những gì quá vĩ mô và xa vời đối với họ, đảm bảo rằng họ sẽ có thể tiếp cận được những nguồn năng lượng tái tạo mới ở mức giá vừa phải mà không phải hy sinh quá đáng những lợi ích lâu dài về mặt môi trường. Các tư vấn và sản phẩm của chúng tôi đều được đưa ra dựa trên cách tiếp cận này.

Triển khai mô hình năng lượng tái tạo

Vậy IFC sẽ có những hoạt động cụ thể gì để giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu?

Chúng tôi đang nghiên cứu những cách thức hết sức cụ thể mang lại lợi ích cho cả ba bên là Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và môi trường toàn cầu. Cụ thể, chúng tôi đang xem xét đến 3 giải pháp.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp hiện nay trở nên tiết kiệm năng lượng hơn, sản xuất sạch hơn. Điều này sẽ làm lợi cho môi trường toàn cầu, đồng thời cũng giúp chính các doanh nghiệp giảm được chi phí cho năng lượng lẫn đầu vào, qua đó nâng cao lợi nhuận.

Thứ hai, chúng tôi cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư để triển khai các mô hình năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện các công nghệ năng lượng tái tạo mang tính thương mại hoặc bán thương mại hoàn toàn có thể được giới thiệu tại Việt Nam, như năng lượng mặt trời, năng lượng từ sinh khối như vỏ trấu, hay các cơ sở phát điện hỗn hợp vừa từ chất đốt thông thường vừa tư sinh khối, hay từ năng lượng mặt trời.

Việc triển khai các mô hình năng lượng tái tạo này có thể tiến hành không chỉ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ở cả các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn nữa, và sẽ giúp các doanh nghiệp này nâng cao đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng của mình. Hiện chúng tôi nhận thấy cơ hội để giới thiệu các mô hình năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và thông qua các dịch vụ tư vấn và đầu tư, IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ ba, chúng tôi cũng tập trung giúp các doanh nghiệp tư nhân có nhận thức và kiến thức tốt hơn về những rủi ro và tác động tiêu cực mà tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh sản xuất của họ, và làm cách nào họ có thể đối phó và hạn chế những tác động này. Với chương trình này thì hiện IFC đang nghiên cứu triển khai thí điểm tại một số nơi trên thế giới và hy vọng có thể sớm giới thiệu ở Việt Nam.

Lĩnh vực cuối cùng mà chúng tôi muốn can thiệp dựa trên một số liệu cảnh báo rằng 25% lượng khí thải trên thế giới là từ tình trạng phá rừng. Khi giá nhiên liệu như than, dầu tăng cao trong thời gian vừa qua, thì rất nhiều người lại quay về tập quán sử dụng than củi. Và điều này đã góp phần khiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, thông qua các hoạt động tư vấn của mình, IFC sẽ hỗ trợ để tìm ra các cách thức quản lý rừng bền vững và hiệu quả, hỗ trợ các công ty khai thác và quản lý gỗ, tư vấn các công nghệ năng lượng hiệu quả.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu đang diễn ra, xin hỏi bà, các hoạt động tư vấn của IFC có bị ảnh hưởng gì không?

Tôi đến Việt Nam công tác lần này là muốn cùng các đồng nghiệp tại khu vực nắm bắt và đánh giá về khả năng tác động của tình hình kinh tế khó khăn hiện tại tới các khách hàng của mình, đảm bảo rằng các hoạt động tư vấn doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đi đúng hướng và hỗ trợ được các doanh nghiệp tư nhân vượt qua được thời điểm khó khăn hiện tại và vẫn giữ được vai trò là động cơ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tôi cũng muốn củng cố thông điệp của IFC rằng chính trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay thì điều quan trọng là chúng ta vẫn cần phải duy trì đà cải cách để đảm bảo sự đóng góp của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đảm bảo rằng những cải cách này mang lại hiệu quả cần thiết cho nền kinh tế.

Một thông điệp khác chúng tôi cũng muốn đưa ra cho các khách hàng của mình trong khối tài chính ngân hàng là mong muốn IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ họ để cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính trong tình cảnh thắt chặt tiền tệ hiện tại, IFC duy trì cam kết đảm bảo tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp thay vì thoái lui.