09:36 23/07/2007

Cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng: Chất chưa biến đổi

Huyền Ngân

Những vấn đề cần phải giải quyết để việc cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng hiệu quả hơn

Hiện nay, số lượng người đại diện vốn Nhà nước của tổng công ty tại các doanh nghiệp rất khác nhau.
Hiện nay, số lượng người đại diện vốn Nhà nước của tổng công ty tại các doanh nghiệp rất khác nhau.
Trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng, các nhà quản lý và hội đồng quản trị các tổng công ty trong ngành xây dựng cần phải quan tâm tới nhiều vấn đề. 

Những vướng mắc này xoay quanh mối quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, và việc cử người đại diện phần vốn của tổng công ty tại các doanh nghiệp khác...

Đến hết tháng 6/2007, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp cho 325 đơn vị, phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 323 đơn vị và chuyển thành công ty cổ phần 317 đơn vị. Giá trị phần vốn Nhà nước tại các đơn vị cổ phần hóa đã tăng lên 4.273,244 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với sổ sách.

Tuy nhiên, những con số thống kê đó mới cho thấy những chuyển biến về “lượng” trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Chưa có thay đổi về chất

Đặc trưng của các tổng công ty hậu cổ phần hóa là chưa dứt bỏ được việc điều hành doanh nghiệp theo cung cách quản lý cũ, trong khi đó phong cách quản lý mới vẫn đang ở giai đoạn manh nha, nên một loạt những vấn đề bất cập tồn tại đã lâu, đã được chỉ ra, nhưng lại chưa giải quyết dứt điểm.

Trong đó, có những bất cập về mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con, công ty liên kết. Sau khi chuyển đổi các tổng công ty Nhà nước sang mô hình công ty mẹ - công ty con, nhiều mối quan hệ đã căn bản thay đổi, không còn là quan hệ cấp trên - cấp dưới theo kiểu mệnh lệnh hành chính mà chỉ tập trung vào việc quản lý công ty mẹ trong hoạt động kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Hợp đồng giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập”.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trên thực tế, hoạt động của các công ty mẹ vẫn còn biểu hiện của cơ chế quản lý cũ như tổ chức giao ban hàng tháng, tổng công ty triệu tập chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty con, công ty liên kết. Tổng công ty phê duyệt bằng văn bản việc bổ nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt của công ty cổ phần...

Vấn đề người đại diện vốn Nhà nước

Liên quan đến cổ phần hóa, trong hội nghị chuyên đề về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước mà Bộ Xây dựng vừa tổ chức mới đây, vấn đề được đưa ra bàn thảo nhiều nhất là việc cử người đại diện phần vốn của tổng công ty tại các doanh nghiệp khác. Hiện nay, hội đồng quản trị các tổng công ty có các quyết định rất khác nhau về số lượng người đại diện.

Đối với các doanh nghiệp, tổng công ty có cổ phần chi phối, số lượng người được cử thường có 2-4 người, thậm chí chỉ 1 người như Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Miền Trung... hoặc nhiều tới 6 người như Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, thậm chí 8 người (Tổng công ty Sông Đà). Cá biệt có trường hợp để quản lý vốn Nhà nước 1,1 tỉ đồng, tổng công ty cử tới 5 người, quản lý 5,1 tỉ đồng cử tới 9 người...

Ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Miền Trung nhận định: “Họ quản lý phát triển doanh nghiệp do mình phụ trách đồng thời phải đáp ứng trách nhiệm của cấp trên nên trách nhiệm rất lớn, rất khó thực hiện tốt công việc”.

Về điều này, ông Ngô Minh Mẫn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) đặt câu hỏi: tại sao không tin tưởng chính những người lãnh đạo công ty cổ phần làm đại diện mà cứ phải quan điểm cử người từ trên, trong khi chính những người này trước khi công ty cổ phần đã được bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc?

Vấn đề cần quan tâm là ở chỗ cần xem xét về các tiêu chuẩn, điều kiện và năng lực quản lý của cán bộ được cử làm đại diện. Hội đồng quản trị các tổng công ty cần định kỳ xem xét, đánh giá năng lực, phẩm chất của các cán bộ này để có điều chỉnh cho phù hợp...

Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), số lượng người được cử là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện: chỉ cử 1-2 người, nếu đều trúng cử vào hội đồng quản trị công ty cổ phần thì cũng rất khó thực hiện được quyền chi phối khi biểu quyết tại hội đồng quản trị; cử tới 6-8 người thì việc phối hợp với nhau có thể không thông suốt.

Việc cử nhiều người còn có thể dẫn tới việc không đủ cán bộ hoặc một người phải kiêm nhiệm việc đại diện ở nhiều doanh nghiệp khác nhau (như ở Tổng công ty Sông Đà, Lilama, Vigracera, có một số người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại 6-8 doanh nghiệp). Đa số các ý kiến doanh nghiệp cho rằng cơ cấu hội đồng quản trị các công ty cổ phần nên là 5 thành viên.

Ông Nguyễn Thế Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị LILAMA cho rằng: “Giai đoạn đầu cần phải có ít nhất 1 người của tổng công ty làm đại diện phần vốn Nhà nước của công ty cổ phần trong hội đồng quản trị, sau này khi các công ty con có vốn mạnh lên sẽ có đại diện chuyên trách, không để kiêm nhiệm.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Cấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam: “Không nên duy trì việc kiêm nhiệm đại diện sở hữu vốn Nhà nước tham gia hội đồng quản trị các công ty con vì có danh nhưng không có thực, chưa ngồi vào bàn trao đổi đã có sự ngăn cách vô hình cấp trên cấp dưới, khó bảo đảm dân chủ”.