12:02 14/02/2023

Cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh, thanh khoản lại tụt

Kim Phong

VN-Index chốt phiên sáng nay giảm nhẹ 2,29 điểm tương đương -0,22% và độ rộng cũng chiếm ưu thế ở phía tăng. Khá nhiều cổ phiếu phục hồi sau phiên bắt đáy hôm qua, duy có cổ phiếu bất động sản vẫn lao dốc nặng. NVL tiếp tục hành trình tìm đáy mới và giảm sàn “trắng bên mua” với 16,2 triệu cổ dư bán...

Nhiều cổ phiếu bất động sản đang giảm mạnh.
Nhiều cổ phiếu bất động sản đang giảm mạnh.

VN-Index chốt phiên sáng nay giảm nhẹ 2,29 điểm tương đương -0,22% và độ rộng cũng chiếm ưu thế ở phía tăng. Khá nhiều cổ phiếu phục hồi sau phiên bắt đáy hôm qua, duy có cổ phiếu bất động sản vẫn lao dốc nặng. NVL tiếp tục hành trình tìm đáy mới và giảm sàn “trắng bên mua” với 16,2 triệu cổ dư bán.

Với 242 mã tăng/129 mã giảm, sáng nay đáng ra VN-Index nên có một phiên phục hồi. Tuy nhiên sức ép từ nhóm cổ phiếu bất động sản lớn và một số trụ khác đang khiến chỉ số bị ảnh hưởng.

VIC giảm 3%, VHM giảm 3,15%, NVL giảm 6,64% và VRE giảm 2,11% là các mã nổi bật nhóm này. Chỉ 4 cổ phiếu này đã lấy đi xấp xỉ 4 điểm của VN-Index, cộng thêm VCB giảm 1,71% lấy đi gần 2 điểm nữa.

Chỉ số VNREAL trên sàn HoSE đang giảm 1,8% giá trị. Khá nhiều cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản giảm mạnh như BCE, CIG, DXG, EVG, HPX, KHG... Dĩ nhiên cũng có một số mã ngược dòng như NBB tăng 6,28%, HDC tăng 4,2%, DRH tăng 3,1%... nhưng hầu hết thanh khoản hạn chế.

Rổ blue-chips VN30 cũng bị tác động mạnh từ nhóm trụ, bao gồm nhiều mã bất động sản. Chỉ số VN30-Index đang giảm 0,19% với 17 mã tăng/12 mã giảm. VIC, VHM, NVL, VRE vẫn là top đầu kéo chỉ số này xuống.

Chỉ số VN-Index đi ngang yếu dù số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn vượt trội số giảm.
Chỉ số VN-Index đi ngang yếu dù số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn vượt trội số giảm.

Về mặt chỉ số, tác động từ nhóm trụ là điều không cần bàn cãi. Do đó tín hiệu tích cực chính là ở độ rộng thị trường, với 242 mã còn tăng và 122 mã tăng trên 1%. Số giảm có 129 mã thì chỉ 67 mã giảm trên 1%. Như vậy nhìn ở góc độ giá cổ phiếu, thị trường vẫn thật sự có một nhịp phục hồi đang diễn ra.

Vấn đề còn lại là khả năng phục hồi như thế nào. Sức ép từ các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa nhẹ đi, nghĩa là rủi ro chỉ số giảm vẫn còn. Phải có dòng tiền tốt để nâng đỡ giá cổ phiếu cụ thể mới duy trì được trạng thái phân hóa. HoSE hiện còn chưa tới 40 mã chốt ở giá cao nhất buổi sáng và trên tư thế tăng so với tham chiếu. Phần rất lớn cổ phiếu dù còn tăng, cũng đã gặp áp lực bán mới xuất hiện và hạ độ cao.

Hiện tượng chốt lời cũng không có gì bất ngờ vì cổ phiếu đang trong xu hướng điều chỉnh quá rõ, nhà đầu tư sẽ lợi dụng những nhịp tăng để cắt lỗ với giá có lợi hơn. Trong khi đó dòng tiền hao hụt mạnh trong xu hướng giảm, sẽ càng có lý do để kiên nhẫn. Thanh khoản giảm mạnh trên HoSE và HNX tới 35% so với sáng hôm qua là kết quả của tâm lý này. Dù nhu cầu cắt lỗ có thể không lớn, nhưng khả năng dòng tiền mua nâng đỡ cũng hạn chế, nên việc thị trường dập dình đi ngang yếu cũng là một thành công.

Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch chậm, dù quy mô giải ngân có tăng 25% so với sáng hôm qua, đạt 510,2 tỷ đồng. Mức bán ra là 484,5 tỷ, tương ứng mua ròng nhẹ 25,7 tỷ. HPG đang được mua tốt nhất với 34 tỷ đồng ròng. Cổ phiếu thứ hai là KBC chỉ hơn 8 tỷ. Phía bán có VHM -18,9 tỷ, DGC -11,1 tỷ, VIC -10,2 tỷ là lớn nhất. Có thể thấy trạng thái giao dịch của khối này cơ bản cũng cân bằng, thị phần nhỏ không có khả năng tác động lên giá.

Hiện các cổ phiếu lớn, nhất là các mã tăng quá mạnh thời gian qua, điều chỉnh bình thường cũng có thể gây cản trở nhịp phục hồi của VN-Index. Trong xu hướng giảm, ảnh hưởng của chỉ số lên tâm lý là có vì nhà đầu tư vẫn có thói quen phân tích kỹ thuật đánh giá chung diễn biến thị trường qua VN-Index. Diễn biến trồi sụt trong ngày không có nhiều ý nghĩa, nhất là trên nền thanh khoản quá thấp.