Cổ phiếu dầu khí bùng nổ, VN-Index hồi gần 5 điểm
Giá dầu thế giới tăng mạnh liên tục 6 phiên trở lại đây cuối cùng cũng giúp cổ phiếu dầu khí chuyển động. Hàng loạt mã nhóm này tăng giá tốt, trong đó PVC, PVD kịch trần...
Giá dầu thế giới tăng mạnh liên tục 6 phiên trở lại đây cuối cùng cũng giúp cổ phiếu dầu khí chuyển động. Hàng loạt mã nhóm này tăng giá tốt, trong đó PVC, PVD kịch trần.
Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dầu khí đến thị trường không nhiều. GAS là mã vốn hóa lớn nhất và trở thành trụ của VN-Index sáng nay. Mã này tăng 5,11% so với tham chiếu, xác lập mức tăng tốt nhất trong vòng 3 tháng.
GAS chủ yếu là trụ cho VN-Index khi đóng góp 2,4 điểm tăng cho chỉ số này. Thanh khoản của GAS cũng gia tăng mạnh, mới buổi sáng đã giao dịch 3,11 triệu cổ, tương đương 289,3 tỷ đồng, suýt soát kỷ lục lịch sử. Rất có thể hôm nay GAS sẽ xác lập kỷ lục tính theo ngày.
Phiên tăng mạnh sáng nay cũng đưa GAS quay lại gần đỉnh cao tháng 8, cũng là đỉnh cao nhất kể từ tháng 12/2019. Nhà đầu tư trong nước là động lực thanh khoản chính tại GAS, khi khối ngoại chỉ mua vào 81.100 cổ phiếu, chiếm chưa đầy 2,6% khối lượng giao dịch. Phía bán khối này xả 809.600 cổ phiếu, chiếm gần 26%. Giá trị bán ròng tại GAS lớn nhất thị trường phiên sáng với gần 68 tỷ đồng.
Các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí ở 3 sàn cũng tăng khá tích cực. PVD kịch trần trên HoSE và đang được chặn mua trần 2,96 triệu cổ. Trong khi GAS đứng top 3 giá trị khớp lệnh thị trường thì PVD cũng đứng top 10 với 187,8 tỷ đồng. Từ đầu tháng 9 đến hôm nay PVD đã tăng 14,4% giá trị.
PVC trên HNX cũng tăng kịch trần nhưng vẫn đang có dư bán trần. Mã này thanh khoản nhỏ với 21,9 tỷ đồng. Ngoài ra PCG cũng kịch trần, PVS tăng 7,25%, PVO tăng 6,33%, PVB tăng 5,33%, BSR tăng 3,68%, PTV tăng 3,03%, OIL tăng 2,92%, PLX tăng 2,2%.
Thị trường phiên sáng giao dịch khá đuối, nhưng không rơi vào tình trạng bán tháo nữa. VN-Index giảm sâu nhất 0,65% và đến khoảng 10h40 bắt đầu phục hồi vượt tham chiếu thành công. GAS chỉ là một yếu tố nâng đỡ chỉ số, độ rộng của VN30 phục hồi khá tốt và một số blue-chips mạnh lên đáng kể hỗ trợ.
MSN tăng 3,36%, VCB tăng 0,92%, HPG tăng 0,79%, VIC tăng 0,23% là những mã thay đổi tích cực. Dù không nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, nhưng khả năng thoát khỏi vùng giảm cũng là một yếu tố quan trọng vì đa số các mã này vốn hóa rất lớn. Thiếu cổ phiếu lớn xuất sắc, VN-Index cũng mới vượt tham chiếu được 4,66 điểm tương đương 0,35%.
Nỗ lực giữ nhịp của các blue-chips vẫn chỉ dựa vào các mã lớn đơn lẻ. Dầu khí tăng tốt nhưng chỉ có GAS và PLX là tương đối có thế lực. Ngân hàng đóng góp duy nhất VCB là đáng kể và trong toàn bộ nhóm ngân hàng trên 3 sàn, cũng chỉ có VCB, VIB, ACB, TPB, STB là tăng giới hạn, còn lại đều chỉ tham chiếu hoặc giảm giá.
Dù vậy đáng lưu ý là đà phục hồi trong nửa cuối phiên sáng đang giúp độ rộng của rổ blue-chips cải thiện. VN30 hết phiên đã có 14 mã tăng/11 mã giảm. VNM. GVR, SAB, TCB là các blue-chips vẫn giảm, nhưng mức giảm đang hẹp dần. Nếu các cổ phiếu này quay về tham chiếu hoặc chỉ cần tăng nhẹ, VN-Index cũng sẽ bật mạnh hơn. VN30-Index hiện chỉ tăng 0,22%.
Sự phục hồi xuất hiện ở hầu khắp thị trường. Ngay cả nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng bớt xấu dần. VNSmallcap-Index đầu phiên lao dốc nặng, giảm tới 2,13% nhưng hiện đã co lại còn giảm nhẹ 0,17%. Độ rộng của rổ này cũng khá tốt với 79 mã tăng/92 mã giảm. Midcap đã tăng 0,3% với 37 mã tăng/24 mã giảm.
Điều còn thiếu là dòng tiền ở nhóm blue-chips vẫn rất hạn chế. VN30 mới giao dịch được 3.454,2 tỷ đồng, giảm tiếp 6% so với sáng hôm qua. Trong khi đó HoSE giao dịch tăng gần 1% và tính chung hai sàn tăng 2,5%. Như vậy tiền vẫn đang “quyến luyến” các cổ phiếu vừa và nhỏ. Giao dịch lớn nhất rổ Vn30 là HPG cũng chỉ khớp 438 tỷ đồng. Top 10 giá trị giao dịch thị trường sáng nay chỉ có 5 mã thuộc VN30.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng 134,6 tỷ đồng trên HoSE. GAS bị bán ròng nhiều nhưng số mua khá tốt là VNM, KBC, MSN, STB, HCM, MBB, VHM. Không có mã nào mua nổi trội nhưng số lượng mã được mua ròng lại nhiều hơn. Tổng giá trị mua với cổ phiếu HoSE mới đạt 684 tỷ đồng, bán ra 549,5 tỷ đồng.