17:30 14/03/2022

Cổ phiếu Didi “bay” 44% trong một phiên, SoftBank đối mặt thua lỗ nghiêm trọng

Điệp Vũ

Cổ phiếu Didi đang trong xu hướng “tuột dốc không phanh” khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với các công ty trong nước niêm yết ở Mỹ...

CEO Cheng Wei của Didi tại một sự kiện hồi năm 2016 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
CEO Cheng Wei của Didi tại một sự kiện hồi năm 2016 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Giá cổ phiếu Didi giảm chóng mặt 44% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi công ty ứng dụng gọi xe Trung Quốc này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào tháng 6 năm ngoái.

Theo hãng tin CNBC, nếu so với giá IPO, cổ phiếu Didi hiện giảm 87%.  Sự sụt giảm này khiến hai cổ đông lớn nhất của Didi là SoftBank và Uber đối mặt nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng.

Cổ phiếu Didi đang trong xu hướng “tuột dốc không phanh” khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với các công ty trong nước niêm yết ở Mỹ. Hồi tháng 12, Didi tuyên bố sẽ rút niêm yết cổ phiếu khỏi Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và đưa về niêm yết tại Hồng Kông. Hôm thứ Sáu, Bloomberg đưa tin rằng Didi chưa hoàn thành việc tuân thủ các yêu cầu về an ninh dữ liệu để có thể niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông.

Softbank sở hữu cổ phần khoảng 20% trong Didi. Tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản do tỷ phú Masayoshi Son kiểm soát đã sở hữu giá trị cổ phần 14 tỷ USD vào thời điểm Didi mới IPO xong, nhưng cổ phần này hiện chỉ còn trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.

Tương tự, cổ phần khoảng 12% của Uber trong Didi đã mất giá từ khoảng hơn 8 tỷ USD vào thời điểm tháng 6 năm ngoái, xuống còn hơn 1 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Uber có cổ phần trong Didi từ năm 2016, sau khi bán lại mảng kinh doanh ở Trung Quốc cho Didi. Trong báo cáo tài chính mới nhất, Uber cho biết trong năm 2021, công ty có khoản lỗ 3 tỷ USD do đầu tư vào Didi mà ra, nhưng khoản lỗ này chưa được đưa vào kết quả kinh doanh.

Thua lỗ đang ngày càng phình to đối với các cổ đông lớn của Didi và phản ánh những thách thức đối với lĩnh vực công nghệ hiện nay, thể hiện qua việc các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh ở nhiều thị trường.

Đầu tuần này, nhà sản xuất phần mềm cơ sở dữ liệu Oracle cho biết các khoản đầu tư vào Oxford Nanopore và Ampere Computing đã kéo tụt lợi nhuận của công ty trong quý tài khoá mới đây nhất.

Cùng với đó, cổ phiếu hãng xe tải điện Rivian giảm 8% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi công ty đưa ra một dự báo gây thất vọng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Rivian giảm 63%, dù hãng này từng vượt hãng sản xuất ô tô lâu năm Ford khi mới lên sàn vào cuối năm ngoái. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon là một cổ đông lớn của Rivian.

Didi là một trong số 83 công ty được SoftBank rót vốn thông qua quỹ đầu tư Vision Fund. Năm ngoái, CNBC đưa tin rằng SoftBank sẽ bán bớt cổ phần trong Uber để bù lỗ cho khoản đầu tư vào Didi.

“Từ khi đầu tư vào Didi, chúng tôi đã bị lỗ nặng”, ông Son – CEO của SoftBank – nói hồi tháng 2 trong một cuộc gọi trao đổi với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021.

Didi không phải là cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Mỹ duy nhất sụt giảm trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng là cổ phiếu giảm mạnh nhất. Các cổ phiếu thương mại điện tử Alibaba và JD.com, cùng với cổ phiếu hãng xe điện Nio cũng đồng loạt đi xuống vì nhà đầu tư cảm thấy bất an về những công ty niêm yết cả ở hai thị trường Mỹ và Hồng Kông.

Trong kết quả kinh doanh quý 3/2021 công bố vào tháng 12, Didi báo lỗ 4,7 tỷ USD trong bối cảnh công ty đang thực hiện quy trình hủy niêm yết tại Mỹ và chuyển niêm yết về Hồng Kông.

Theo hãng tin Bloomberg, Didi là tâm điểm của chiến dịch siết quản lý đối với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc. Nhà chức trách nước này trước đó đã yêu cầu công ty rút khỏi sàn chứng khoán Mỹ do lo ngại lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng mà Didi đang nắm giữ có thể bị chính quyền nước ngoài khai thác.