15:36 27/10/2023

Cổ phiếu lũ lượt đảo chiều xanh, VIC về tham chiếu, VN-Index trụ vững ngưỡng 1050

Kim Phong

Một đợt cổ phiếu về tài khoản ào ra cắt lỗ đã đẩy VN-Index xuống đáy mới khoảng giữa phiên chiều nay, còn 1.037,46 điểm, cũng là đáy thấp nhất 6 tháng. Tuy nhiên sau đợt bán này áp lực nhẹ hơn hẳn và bên mua phản công khá tích cực, đẩy dần giá cổ phiếu phục hồi. Đến cuối phiên thì bên tăng đã áp đảo hoàn toàn...

VN-Index đã quay đầu phục hồi từ nền giá tích lũy giai đoạn tháng 3-4/2023.
VN-Index đã quay đầu phục hồi từ nền giá tích lũy giai đoạn tháng 3-4/2023.

Một đợt cổ phiếu về tài khoản ào ra cắt lỗ đã đẩy VN-Index xuống đáy mới khoảng giữa phiên chiều nay, còn 1.037,46 điểm, cũng là đáy thấp nhất 6 tháng. Tuy nhiên sau đợt bán này áp lực nhẹ hơn hẳn và bên mua phản công khá tích cực, đẩy dần giá cổ phiếu phục hồi. Đến cuối phiên thì bên tăng đã áp đảo hoàn toàn.

Giao dịch ở nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn được theo dõi chặt chẽ và hoạt động “vét hàng” nếu xảy ra ở các mã nhóm này được xem là tín hiệu quan trọng. Diễn biến phục hồi của thị trường nửa sau phiên chiều gắn chặt với biến động giao dịch của VIC.

Cổ phiếu này tạo đáy lúc 1h45 chiều và giảm sàn. Từ đáy này tới khoảng 2h15, VIC xuất hiện lực kéo mạnh, giá từ 38.700 đồng tăng vọt lên 41.100 đồng, tương đương phục hồi 6,2%. Trong ít phút còn lại của đợt khớp lệnh liên tục, VIC vẫn có lượng xả nhiều và giá lại lùi xuống. Tuy thế đợt ATC xuất hiện cú đẩy quyết định với 1,79 triệu cổ giao dịch và giá vọt trở lại ngưỡng tham chiếu.

Với hai cổ phiếu còn lại là VHM và VRE, VHM có phục hồi yếu hơn nhiều và đóng cửa vẫn giảm 6,22%, chỉ cao hơn mức đáy khoảng 0,77%. VRE nằm sàn do thiếu cầu mua, vẫn còn dư bán sàn hơn 602 ngàn cổ.

Điểm tích cực là thị trường phản ứng khá mạnh với diễn biến hồi giá tại VIC. Lúc 1h45 khi cả chỉ số lẫn VIC ở mức đáy, độ rộng ghi nhận 113 mã tăng/358 mã giảm. Đến 2h15 khi VIC hồi tốt nhất, độ rộng đạt 238 mã tăng/228 mã giảm. Kết phiên, HoSE có tới 309 mã tăng/165 mã giảm. Có thể thấy trạng thái giá cổ phiếu đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực.

Thanh khoản HoSE chiều nay tăng 64% so với phiên sáng, đạt 7.682 tỷ đồng và thanh khoản này được tạo thành bao gồm cả đợt bắt đáy nửa đầu phiên lẫn cầu đẩy giá lên trong nửa còn lại. Điều này xác nhận mức thanh khoản thấp buổi sáng là hệ quả của sự chờ đợi. Do hôm qua giá giảm quá sốc và đột ngột, nên tất cả các cổ phiếu T+ về chiều nay đều thua lỗ, tất yếu có nhu cầu bán ra. Nhà đầu tư đã giao dịch chậm lại buổi sáng để chờ đợi chiều nay.

Nhóm cổ phiếu blue-chips chiều nay tăng rất tốt.
Nhóm cổ phiếu blue-chips chiều nay tăng rất tốt.

Nhóm VN30 vốn đã khá tốt từ sáng, chiều nay còn mạnh hơn. Ngoài VHM, MSN, VRE và SAB vẫn yếu, số còn lại đều cải thiện đáng kể. Thực ra trừ VRE không đổi, 29 mã còn lại của rổ đều tăng so với giá chốt phiên sáng. Ngay cả MSN cũng cải thiện 1,05%, SAB hồi 1,61%, VHM tăng được 0,77%. VIC dĩ nhiên là trụ cải thiện rõ nhất, tăng tới 7,49% so với phiên sáng. VNM, VJC, VIB, SSI, SHB, POW, PLX, HPG, DHB, GVR, GAS, BID, BCM là các mã tăng từ 2% tới 5% so với phiên sáng.

Sự cải thiện mạnh mẽ của nhóm blue-chips củng cố đà phục hồi nửa sau phiên chiều nay, dẫn tới sự lan tỏa mạnh mẽ trong các cổ phiếu còn lại. VN30-Index đóng cửa tăng 0,25% so với tham chiếu và có 19 mã tăng/7 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, xuất hiện BID tăng 3,58%, GAS tăng 2,78%, VNM tăng 1,49%, HPG tăng 2,41% tham gia kéo điểm tốt nhất.

Sàn HoSE kết phiên với 10 mã kịch trần và 150 mã khác tăng từ 1% trở lên. Dĩ nhiên đây là mặt bằng giá khác biệt so với buổi sáng (73 mã tăng trên 1%). Nếu nhìn theo biến động giá phục hồi trong phiên thì tới 250 cổ phiếu tăng từ 2% tới 14% so với đáy, tỷ lệ khoảng 68,5% lượng cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên HoSE phiên này.

VN-Index kết phiên đã phục hồi lên 1.060,62 điểm. Ngưỡng thấp nhất chỉ số chạm tới phiên này đã tương đương vùng tích lũy hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua, là thời gian thị trường đi ngang trước khi bùng nổ sóng tăng kéo dài 5 tháng sau đó.