19:05 05/12/2022

Cổ phiếu ngân hàng đối diện nhiều rủi ro điều chỉnh sau khi bật tăng mạnh

Thu Minh

Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cùng với đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu nhóm ngân hàng đã bật tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ trong tuần giao dịch vừa qua, nhiều mã có mức hồi phục tốt từ 20-25% như SHB, TCB nhiều cổ tăng 16% như ABB, MBB, VCB, VIB, VPB...

Ở thời điểm hiện tại, mức định giá hiện tại theo trailing P/B của các Ngân hàng Thương mại quốc doanh là 2.1x và Ngân hàng Thương mại tư nhân là 1.2x, giảm lần lượt 35% và 52% từ đỉnh. Theo đánh giá của hầu hết các công ty chứng khoán, vùng giá này phù hợp để tích lũy dài hạn.

Tuy nhiên, theo Mirae Asset, định giá cổ phiếu ngân hàng đã hấp dẫn nhưng cổ phiếu vẫn còn nhiều rủi ro điều chỉnh. Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5năm, Ngân hàng Thương mại quốc doanh 2,2x; Ngân hàng Thương mại tư nhân 1,6x do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.

Cụ thể, theo Mirae Asset, nợ cơ cấu và nợ xấu mới phát sinh từ việc tăng lãi suất sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận của ngành nói chung.

Lãi suất tăng dẫn đến gia tăng chi phí vay và nợ xấu phát sinh. Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất từ mức 7% lên mức 13% đối với lãi suất tái cấp vốn vào năm 2011, nợ xấu nội bảng đã có mức tăng đột biến (gần gấp đôi).

Tuy không thể kết luận tăng lãi suất là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tăng nợ xấu, tuy nhiên, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng đột biến của một vài ngân hàng nhỏ cũng dấy lên lo ngại về việc phát sinh ngân hàng không đồng.

Ngoài lãi suất, tỷ lệ nợ xấu tăng cũng sẽ là một tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến NIM trong năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết tăng lên 2,4% trong Q3/2022, tăng 0,7%p so với năm 2021 hay 0,3% so với Q2/2022. Tỷ lệ trung bình tăng mạnh do tỷ lệ nợ xấu do tác động từ mức tăng cao của một số ngân hàng có thể kể đến như NVB, VBB, PGB và OCB.

Tương tự như vậy, tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng từ 3,3% cuối 2021 lên mức 4,1% vào quý 3 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng có truyền thống NPL thấp vẫn giữ được tỷ lệ này ở mức thấp, và vượt trội so với mặt bằng chung. Các ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp có thể kể đến như VCB, ACB, và TCB.

Cổ phiếu ngân hàng đối diện nhiều rủi ro điều chỉnh sau khi bật tăng mạnh - Ảnh 1

NIM được dự báo sẽ suy giảm. Trong 9T2022, NIM trung bình của các Ngân hàng niêm yết tăng 31bps dựa vào tỷ trọng huy động tiền gửi giảm và lợi suất của tài sản sinh lời tăng. Việc thắt chặt tính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng.

"9T2022, lợi nhuận trước thuế của các Ngân hàng niêm yết tăng trung bình 31,6%. Tuy vậy, ngành ngân hàng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong năm 2023 do các yếu tố như: 1) chi phí dự phòng gia tăng; 2) một số ngân hàng đã ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong năm 2022; 3) thiếu động lực tăng trưởng ngoài tăng trưởng tín dụng; và 4) CIR khó có khả năng giảm tiếp do nhu cầu đầu tư công nghệ và marketing lớn", Mirae Asset nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Mirae Asset, trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể tạo ra các cú sốc về rủi ro thanh khoản và rủi ro hệ thống. Đây là rủi ro mà cả nội bộ ngân hàng cũng như các chuyên gia trong ngành khó lượng hóa chính xác, vì vậy nhà đầu tư cần lưu ý khi chọn đầu tư vào các ngân hàng có rủi ro tập trung cao hay chất lượng tài sản thấp.

Công ty chứng khoán này  giữ quan điểm thận trọng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn) và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn. Tuy các ngân hàng này sở hữu tỷ lệ nợ tái cơ cấu và NPL thấp, rủi ro các doanh nghiệp lớn không hoàn thành các nghĩa vụ nợ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động. Việc này có thể dẫn đến gánh nặng trích lập dự phòng trong dài hạn.

Đối với tình hình rủi ro tiềm ẩn như hiện tại, yếu tố an toàn nên được đặt lên hàng đầu. Mirae Asset cho rằng khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ, rủi ro hoạt động liên tục thấp, có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, liên kết nội khối tốt,  lợi thế huy động vốn, và dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp.