12:13 25/05/2023

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lao dốc, khối ngoại duy trì áp lực bán ròng

Kim Phong

Cuộc họp bàn giảm lãi suất cho vay sáng nay thu hút chú ý của giới đầu tư và tác động hiển nhiên là giảm NIM của các ngân hàng. Gần như toàn bộ cổ phiếu trong nhóm này đều lao dốc, trừ BID và LPB. Thanh khoản cũng gia tăng đáng kể trong nhóm này, xác nhận có lực bán mạnh...

Cổ phiếu ngân hàng đỏ rực trong phiên sáng.
Cổ phiếu ngân hàng đỏ rực trong phiên sáng.

Cuộc họp bàn giảm lãi suất cho vay sáng nay thu hút chú ý của giới đầu tư và tác động hiển nhiên là giảm NIM của các ngân hàng. Gần như toàn bộ cổ phiếu trong nhóm này đều lao dốc, trừ BID và LPB. Thanh khoản cũng gia tăng đáng kể trong nhóm này, xác nhận có lực bán mạnh.

Một nhịp hồi ngắn nửa đầu phiên sáng chỉ đẩy VN-Index quan tham chiếu 0,18% rồi lại cắm đầu giảm. Kết phiên sáng chỉ số này đã đỏ -0,14%. VN30-Index yếu hơn do bị cổ phiếu ngân hàng gây sức ép, đang giảm 0,26%.

Top 5 cổ phiếu khiến VN30-Index mất điểm nhiều nhất toàn là ngân hàng: VPB giảm 0,77%, STB giảm 1,28%, ACB giảm 0,6%, VCB giảm 0,86%, TCB giảm 0,5%. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên các sàn, chỉ còn BID tăng 0,8% và LPB tăng 0,36%, các mã khác đều giảm với 7 mã giảm trên 1%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị xả nhiều từ hôm qua, khi quyết định giảm lãi suất huy động tuy là tích cực (làm giảm chi phí vốn đầu vào) nhưng áp lực giảm lãi suất cho vay cũng tăng lên khi ngân hàng buộc phải giảm theo. Đầu phiên cổ phiếu ngân hàng cũng phục hồi tăng khá rộng, nhưng sau những thông tin ban đầu từ cuộc họp xuất hiện, nhóm này đảo chiều cả loạt. Nhiều mã như STB, TPB, VPB thậm chí quay đầu trượt dốc hơn 1% giá trị.

Cổ phiếu chứng khoán cũng sụt giảm nhanh chóng sau phiên hứng khởi với tin giảm lãi suất hôm qua. Đến sáng nay trong vài chục mã nhóm này, chỉ còn sót lại IVS, HBS, HAC, TVS tăng giá. Hơn chục cổ phiếu đang rớt trên 2%, bao gồm cả VDS, FTS, BMS, SBS… Nhóm vốn hóa lớn giảm ít hơn: SSI giảm 0,66%, VCI giảm 0,74%, VND giảm 1,24%, HCM giảm 0,57%, SHS giảm 0,9%, MBS giảm 1,14%...

Độ rộng tổng thể của VN-Index cũng thay đổi nhanh theo hướng tiêu cực. Thời điểm VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h10, có 185 mã tăng/137 mã giảm. Đến cuối phiên sáng chỉ còn 137 mã tăng/221 mã giảm. Cả trăm cổ phiếu tụt giá qua tham chiếu thể hiện áp lực bán ra đã tăng trên diện rộng. Thanh khoản HoSE phiên sáng tăng gần 6% so với hôm qua, đạt 4.861 tỷ đồng và tính chung 2 sàn khớp lệnh tăng 4% với 5.561 tỷ đồng.

VN-Index suy yếu dần, nhưng vẫn có cổ phiếu trụ giảm tốc.
VN-Index suy yếu dần, nhưng vẫn có cổ phiếu trụ giảm tốc.

Với hơn trăm mã còn tăng ngược dòng, cơ hội hầu như chỉ còn ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cũng mang tính cá biệt từng mã hơn là nhóm ngành. HHP, BMP, PHR, EVG, ITA, GVR, VOS, DRH, BCG, HHV là các cổ phiếu đang tăng trên 2% với thanh khoản hơn 10 tỷ đồng. Toàn sàn HoSE ghi nhận 66 cổ phiếu tăng trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 22% giao dịch sàn. Nếu nhìn theo thanh khoản, sàn này có 12 mã đạt giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì 5 mã tăng, còn lại là giảm.

VN30-Index đang có 8 mã tăng/20 mã giảm, mạnh nhất phía tăng là GVR tăng 2,8%, FPT tăng 1,11%, VHM tăng 1,1%. Khá may mắn cho các chỉ số là nhóm trụ giảm tương đối nhẹ như VIC, CTG, TCB. Yếu nhất là VCB cũng chỉ giảm dưới 1%. Tuy nhiên sự thay đổi trong độ rộng cho thấy sự thay đổi trong áp lực bán: Thị trường phản ứng rất thận trọng và thanh khoản không tăng được trong chiều tăng của giá, nhưng lại tăng trong chiều giảm.

Nhà đầu tư nước ngoài đang có vị thế bán ròng liên tục từ đầu tuần. Sáng nay thêm 187,5 tỷ đồng vị rút ròng khỏi sàn HoSE. Không có mã nào bị bán đột biến, lớn nhất là HPG -24,2 tỷ, HSG -17,5 tỷ, CTG -17,5 tỷ, VND -17,2 tỷ… nhưng cổ phiếu hầu như không được mua ròng. Mã được mua nhiều nhất là SSI cũng chỉ hơn 5 tỷ đồng ròng. Tổng giá trị giải ngân của khối ngoại tại HoSE mới là 274,1 tỷ đồng, chiếm 4,9% tổng giao dịch sàn.