19:25 18/12/2020

Cổ phiếu TCB được JP.Morgan định giá 45.000 đồng/cổ phiếu

Minh Tú

Trong lần định giá trước đó, J.P.Morgan định giá TCB của Techcombank có giá 33.000 đồng/cổ phiếu. Mức định giá hiện tại đang cao hơn khoảng 72% so với thời điểm báo cáo (14/12)

TCB được J.P. Morgan định giá với mức 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 72% so với mức giá 26.200 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu này tại ngày 14/12.
TCB được J.P. Morgan định giá với mức 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 72% so với mức giá 26.200 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu này tại ngày 14/12.

Trong báo cáo về ngân hàng Việt Nam vừa được công bố, J.P. Morgan nhấn mạnh rằng: "Các ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực ưa thích của chúng tôi trong khu vực", và đưa ra triển vọng tích cực về cổ phiếu ngân hàng Việt Nam với trong 12 tháng tới.

Theo đánh giá của tổ chức này, các ngân hàng Việt Nam còn có thể tăng trưởng cao vì nền kinh tế còn tăng trưởng (ước tính tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,5% và tăng tốc 8,3% vào năm 2021).

CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG VẪN HẤP DẪN

Theo J.P. Morgan, các cổ phiếu ngân hàng đã diễn biến tốt với mức tăng trung bình khoảng 30% kể từ đầu năm, cao hơn mặt bằng chung của các thị trường ASEAN. Dù vậy, tiềm năng tăng giá ở một số cổ phiếu vẫn còn lớn. Và J.P. Morgan duy trì đánh giá Overweight (tăng tỷ trọng đầu tư) với cả 4 cổ phiếu TCB, VPB, ACB, VCB.

JP Morgan dự báo EPS và giá mục tiêu (Price Target) các ngân hàng Việt Nam sẽ tăng. EPS được thúc đẩy bởi các khoản dự phòng thấp hơn dự kiến, cũng như quy mô tăng nhờ GDP cao hơn. Trong khi đó, rủi ro sẽ là chất lượng tài sản kém hơn dự kiến, các rủi ro vĩ mô như bùng phát Covid-19.

JP Morgan cũng kỳ vọng chất lượng tài sản các ngân hàng Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong 2 năm tới. Nợ xấu 4 ngân hàng tiếp tục được kiểm soát, với dự báo tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100% vào năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 8-10% và mức này có thể sẽ cao hơn trong năm 2021. Theo đó, J.P. Morgan kỳ vọng các ngân hàng có vốn cao và chất lượng tài sản tốt sẽ nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Trong đó, Techcombank hiện có tỷ lệ an toàn vốn CAR cao nhất, có thể sẽ được phép tăng trưởng cho vay 20%/năm trong giai đoạn 2020-2022. Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank cũng sẽ giúp ngân hàng này tăng trưởng nhanh hơn trong 2 năm tới.

Ngân hàng ACB có thế mạnh là cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hai mảng này đã chiếm tới 90% dư nợ cho vay của ngân hàng. Hơn 90% các khoản vay của ACB có tài sản đảm bảo và giá trị khoản vay thấp, giúp ngân hàng được thoải mái hơn về dự phòng rủi ro.

Vietcombank là một trong những ngân hàng được hưởng lợi lớn từ nguồn tiền gửi giá rẻ. Nhà băng này đã xây dựng thị phần cho vay tiêu dùng lớn nhất thị trường với khoảng 7%, theo ước tính của JP Morgan. Tỷ trọng các khoản cho vay bán lẻ đã tăng lên 43% năm 2019, cao hơn nhiều so với mức 14% năm 2013. Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ấn tượng lên đến 215% trong khi các khoản nợ được cơ cấu lại khá thấp. Điều này chỉ rõ tiềm năng lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

VPBank sở hữu công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam – FE Credit, đây cũng là động lực chính dẫn đến NIM cao trong ngành. Các khoản cho vay tiêu dùng chiếm gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng. Đối với việc Ngân hàng Nhà nước lên lộ trình siết cho vay tiền mặt, FE Credit cho biết đang dần dịch chuyển sang mảng thẻ tín dụng. Trong khi đó, tiến độ IPO của FE Credit được cho sẽ là chất xúc tác giúp giá cổ phiếu tăng.

VÌ SAO TCB ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ CAO?

Cũng trong báo cáo này, TCB được J.P. Morgan định giá với mức 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 72% so với mức giá 26.200 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu này tại ngày 14/12. Cổ phiếu VPB được định giá 37.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 29% so với mức giá 28.700 đồng/cổ phiếu tại ngày 14/12. Cổ phiếu VCB được định giá cao nhất trong nhóm ngân hàng với mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong đợt định giá này, tất cả cổ phiếu ngân hàng trong danh sách theo dõi của J.P. Morgan (VPB, ACB, VCB, TCB) đều được nâng mức định giá. Trong đó, TCB là có sự thay đổi lớn nhất. Mức định giá cổ phiếu TCB trong đợt trước đó là 33.000 đồng/CP.

Vậy điều gì đã khiến J.P. Morgan định giá cao đột biến (45.000 đồng/CP) với cổ phiếu TCB của Techcombank?

Một số luận điểm được J.P. Morgan đưa ra. Thứ nhất, Techcombank là ngân hàng có ROA dẫn đầu mặc dù thị phần huy động ở mức thấp (khoảng 3%). Thứ hai, Techcombank là một trong những ngân hàng hiếm hoi trong ngành kiếm được lợi nhuận lớn từ cả hai hoạt động tín dụng và thu phí dịch vụ. Điều này giúp ngân hàng có thể duy trì lợi nhuận trong giai đoạn dài.

Bên cạnh đó, J.P. Morgan cho rằng Techcombank có khả năng đặc biệt về quản lý tăng trưởng tín dụng. Lý do là ngân hàng có tỷ trọng tài trợ bằng trái phiếu lớn. Bên cạnh đó, "room" tăng trưởng tính dụng của Techcombank khoảng 20%.

Một điểm khác theo J.P. Morgan đó là Techcombank có điểm mạnh về CASA (Current Account Savings Account - Tiền gửi không kỳ hạn) và thu nhập ngoài lãi (Non-II - Non-Interest Income). Do đó, mức độ nhạy cảm về EPS của Techcombank với những thay đổi về NIM thấp nhất trong nhóm ngân hàng.

Nói thêm, theo J.P. Morgan, TCB và VPB giao dịch với P/B dự báo năm 2021 là 1,06 và 1,12 lần. Bên cạnh đó, hai ngân hàng đang giới hạn tỉ lệ sở hữu nớc ngoài dưới ngưỡng quy định 30%. Trong trường hợp dự thảo hướng dẫn của Bộ Tài chính được thông qua, "room" ngoại sẽ được mở tại Techcombank và VPBank.