Cổ phiếu thủy sản, dầu khí bật mạnh, thị trường vẫn “xanh vỏ đỏ lòng”
Quá 2/3 thời gian giao dịch hôm nay VN-Index nằm dưới tham chiếu, nhưng cuối cùng chỉ số vẫn “trèo” qua được, tăng 0,63 điểm. Một số cổ phiếu trụ tăng đủ mạnh để cân bằng, nhưng tổng thể mặt bằng cổ phiếu ở mức thấp, thậm chí độ rộng còn nghiêng về phía giảm. Riêng nhóm thủy sản, dầu khí giao dịch nổi bật...
Quá 2/3 thời gian giao dịch hôm nay VN-Index nằm dưới tham chiếu, nhưng cuối cùng chỉ số vẫn “trèo” qua được, tăng 0,63 điểm. Một số cổ phiếu trụ tăng đủ mạnh để cân bằng, nhưng tổng thể mặt bằng cổ phiếu ở mức thấp, thậm chí độ rộng còn nghiêng về phía giảm. Riêng nhóm thủy sản, dầu khí giao dịch nổi bật.
Độ rộng của VN-Index lúc kết phiên chỉ có 156 mã tăng/222 mã giảm, trong đó 75 mã tăng trên 1% và 87 mã giảm trên 1%. Như vậy biên độ dao động phiên này cũng rất hẹp. VN-Index tăng cao nhất 0,49% trên tham chiếu và giảm thấp nhất -0,52%.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay cũng giảm tới 20% so với phiên trước, đạt 7.287 tỷ đồng. Dòng tiền quá yếu và bên bán cũng không muốn xả, khiến tình trạng èo uột đi ngang vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên cũng có một số cổ phiếu tăng giá tốt, bất chấp dòng tiền nhỏ. Nhóm thủy sản bất ngờ có một ngày khởi sắc. ANV đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản tăng 192% so với hôm qua và cao hơn bình quân 20 ngày tới 89%. Đây là tín hiệu cho thấy có sự quan tâm mạnh dù về con số tuyệt đối giá trị khớp lệnh cũng chưa tới 73 tỷ đồng. ACL tăng 3,07%, CMX tăng 3,68%, FMC tăng 3,21%, IDI tăng 6,05%, VHC tăng 3,25%. Phần lớn các mã này thanh khoản không đáng kể, riêng IDI đạt trên 100 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí cũng được trợ lực mạnh mẽ từ cú nhảy tăng hơn 3% của giá dầu đêm qua. PVC, PVD đóng cửa ở mức tăng kịch trần. PVB tăng 5,69%, PVS tăng 4,37%, BSR tăng 3,45%, OIL tăng 3,37%, PSH tăng 3,09%, GAS tăng 0,77%. Cũng giống nhóm thủy sản, đa phần thanh khoản rất thấp, trừ PVD đạt 198,9 tỷ đồng, lọt vào Top 5 mã thanh khoản cao nhất thị trường.
Diễn biến lình xình khiến phần lớn cổ phiếu đi ngang khó chịu. Số rất ít mã thu hút được dòng tiền mạnh và giá tăng, tiêu biểu chỉ có VCG tăng 4,36% thanh khoản 222,8 tỷ đồng; KSB tăng 3,99% thanh khoản 60,4 tỷ; VIB tăng 2,83% thanh khoản 106,9 tỷ; LCG tăng 2,53% thanh khoản 52,2 tỷ; NKG tăng 1,8% giao dịch 90,4 tỷ; KBC tăng 1,6% giao dịch 92,4 tỷ. Số còn lại tăng trên 2% chỉ lác đác vài cổ phiếu thanh khoản trong tầm 20-40 tỷ đồng.
HoSE hôm nay có 18 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì có 5 mã tăng và 6 mã giảm. Thực tế này cũng phù hợp với trạng thái lình xình chung. VN30-Index chỉ tăng 0,1% vào đúng đợt ATC giống VN-Index, độ rộng cân bằng 14 mã tăng giảm. Nhóm blue-chips vẫn đang làm tốt nhiệm vụ cuối năm là đảm bảo chỉ báo của thị trường phát tín hiệu đi ngang ổn định.
Khối ngoại vẫn có một ngày giải ngân sôi động với 985,4 tỷ đồng mua vào trên HoSE và bán ra 679,9 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 305,5 tỷ. Mua không quá mạnh nhưng khối này tiếp nối chuỗi ngày mua ròng sang phiên thứ 14 liên tục. HPG được mua ròng tốt nhất với 81,3 tỷ, VHM +35,8 tỷ, PVD +33,8 tỷ, VIC +22,6 tỷ, GAS +17 tỷ, CTG +14,6 tỷ. Phía bán ròng nhiều nhất là MSN cũng chỉ -11,8 tỷ đồng.
Mặc dù thanh khoản chung rất thấp và khối ngoại chiếm 11,3% tổng sàn HoSE nhưng lực cầu riêng lẻ thì không đủ chi phối giá mã nào cả. HPG được khối ngoại mua 4,82 triệu cổ cũng chỉ chiếm chưa tới một phần tư giao dịch. VHM được mua chủ yếu là qua thỏa thuận. PVD tăng kịch trần vẫn là nhờ dòng vốn trong nước chiếm tới 82% thanh khoản.
Điểm tích cực nhất trong trạng thái lình xình khó chịu gần đây là biên độ rất hẹp, cổ phiếu phân hóa tăng giảm. Điều này đảm bảo một sự an tâm nhất định, vì thanh khoản kém kết hợp với trạng thái giá nói trên đồng nghĩa với cung cầu không đáng tin cậy, bán ra rất ít dù mua vào quá nhỏ. Thực ra ổn định cũng là một điều tích cực, vì tạo kỳ vọng rằng thị trường ra Tết sẽ khởi sắc hơn. Đôi khi thị trường cần một hi vọng, vì nhà đầu tư sẽ tự tìm những lý do phù hợp để ủng hộ cho quan điểm của mình.