Cổ phiếu trụ “co kéo”, dòng tiền vẫn giữ giá ổn định
Hôm nay cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB điều chỉnh giảm mạnh, cộng hưởng với VHM gây sức ép đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn đó “tứ trụ” VIC, NVL, HPG và GAS nổi lên thay. VN-Index lại chao đảo một cách quen thuộc, nhưng đà tăng giá vẫn đang áp đảo ở cổ phiếu.
Hôm nay cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB điều chỉnh giảm mạnh, cộng hưởng với VHM gây sức ép đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn đó “tứ trụ” VIC, NVL, HPG và GAS nổi lên thay. VN-Index lại chao đảo một cách quen thuộc, nhưng đà tăng giá vẫn đang áp đảo ở cổ phiếu.
Nhịp trượt giảm đáng chú ý nhất xuất hiện trong phiên chiều khi VN-Index cắm đầu giảm ngay khi mở cửa trở lại và kéo dài tới tận 2h08. Chỉ số chạm đáy giảm 0,31% so với tham chiếu, nhưng biên độ trong hơn 1 giờ đồng hồ đó vào khoảng 0,82%.
VCB ghi dấu ấn nổi bật ở nhịp điều hướng chỉ số này. Từ giá 81.500 đồng, VCB rơi xuống 79.900 đồng, tương đương biên độ giảm khoảng 2%. Đây là mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index nên không có gì bất ngờ khi chỉ số này bị kéo xuống theo. Ngoài ra cũng phải kể tới một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng biến động đồng nhịp với VCB, dù chỉ là hạ độ cao, như CTG, BID, VPB... Những phút còn lại VCB hồi giá và chốt phiên còn giảm 1,46% so với tham chiếu trong khi mức giảm sâu nhất là -2,56%.
VCB bị xả phiên này không quá đột ngột, vì đây chính là trụ mạnh nhất của VN-Index trong khoảng chục phiên vừa qua. Biên lợi nhuận hơn 15% tính đến hôm qua là một món lợi đáng kể, nhất là khi khối lượng đột biến hôm 4/8 vừa qua lại về đến tài khoản. Tuy nhiên thanh khoản của VCB hôm nay không có gì bất thường, thậm chí giảm 46% so với lượng hàng T3 về tài khoản. Áp lực chốt lời ngắn hạn đã không ở cường độ cao nhất và đó là lý do giá hồi lại về cuối.
Diễn biến đơn lẻ của VCB có ảnh hưởng khá mạnh lên chỉ số một phần vì không có giao dịch quá xuất sắc ở các trụ khác. Điểm tốt là mức giảm nhẹ hơn của VCB về cuối tạo điều kiện cho những blue-chips còn lại cân bằng phần nào. NVL tăng 1,83%, VIC tăng 1,08%, GAS tăng 0,9%, HPG tăng 2,12% thừa đủ cân bằng, giúp VN-Index chốt ngày lại tăng 0,17% so với tham chiếu tương đương 2,1 điểm.
Điểm số không thật sự quan trọng trong bối cảnh giao dịch hiện tại, vì các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang “co kéo” lẫn nhau. Điều quan trọng là độ rộng của thị trường và dòng tiền vẫn rất tích cực. VN-Index vẫn kết phiên với 270 mã tăng/193 mã giảm. Tổng hợp HoSE và HNX vẫn có 392 mã tăng so với 240 mã giảm.
Về phân bổ vốn trong VN-Index, 64,5% giá trị khớp lệnh hôm nay tập trung ở nhóm cổ phiếu tăng giá và 31,3% tập trung ở nhóm giảm giá. Số tăng có 12 mã kịch trần và 112 mã khác tăng trên 1%. Số giảm duy nhất DTT sàn và 63 mã khác giảm trên 1%. Như vậy, về cơ bản nhà đầu tư vẫn có xác suất cao hơn nhìn thấy danh mục của mình tiến triển và dòng vốn lớn vẫn sinh lời hơn là thua lỗ.
Hôm nay không có nhóm ngành nào giao dịch thật sự nổi bật, mà trạng thái phân hóa vẫn khiến có mã tăng mã giảm trong cùng một ngành. Cổ phiếu giao dịch nổi bật thì khá nhiều, hàng chục mã thanh khoản vài chục tới hàng trăm tỷ đồng với biên độ tăng giá rất tốt như SAM kịch trần với 53,5 tỷ đồng, BCG tăng 5,5% với 213,3 tỷ đồng, LDG tăng 5,16% với 67,5 tỷ, DGC tăng 4,04% với 318,1 tỷ đồng, MIG tăng 3,73% với 70,8 tỷ, SCR tăng 3,31% với 91,7 tỷ, VCI tăng 2,61% với 213,9 tỷ đồng...
Khối ngoại cũng có một phiên giao dịch khá nhạt, lực chốt lời ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế khiến vị thế là bán ròng nhẹ gần 69 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng giá trị bán tại HoSE chỉ đạt 802,1 tỷ đồng, chưa đầy 5% tổng giao dịch ở sàn này. HPG bị bán ròng lớn nhất với 98,8 tỷ đồng nhưng giá vẫn tăng 2,12%. VNM, VHM, DXG, LHG là các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 20 tỷ. Phía mua có HDB, SSI, NLG được mua tốt.