Cổ phiếu viễn thông kéo chứng khoán Mỹ sụt điểm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/5), khi cổ phiếu viễn thông sụt mạnh...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/5), khi cổ phiếu viễn thông sụt mạnh và dữ liệu kém khả quan về số nhà mới khởi công lấn át kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của Walmart và Home Depot.
Cổ phiếu AT&T sụt 5,8%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 – thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ. AT&T đã giảm từ phiên ngày thứ Hai, khi công ty viễn thông khổng lồ này tuyên bố sẽ cắt giảm cổ tức do việc thực thi thoả thuận trị giá 43 tỷ USD ở mảng truyền thông với Discovery.
Cổ phiếu hai nhà mạng lớn khác là T-Mobile và Verizon Communications giảm tương ứng 3,7% và 1,3%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Mức giảm mạnh nhất thuộc về hai nhóm năng lượng và công nghiệp.
Cả ba chỉ số chính đã mở cửa phiên giao dịch trong sắc xanh, sau khi hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart nâng dự báo lợi nhuận cả năm, và hãng bán lẻ thiết bị gia đình Home Depot công bố doanh thu quý 1 vượt dự báo.
“Kết quả kinh doanh của Walmart và Home Depot là đại diện cho sức mạnh của các công ty niêm yết và của cả người tiêu dùng. Kết quả đó phản ánh rằng người tiêu dùng đang chi tiêu mạnh bằng những tấm séc kích cầu, mua sắm online nhiều hơn, và cũng quay trở lại với các cửa hàng thực tế”, chiến lược gia Ross Mayfield của Baird nhận định. “Có nhiều cơ sở cho các nhà đầu tư giá lên trên thị trường vào lúc này, dựa trên một nền kinh tế đang mở cửa trở lại thực sự mạnh mẽ.
Dù vậy, cổ phiếu Home Depot vẫn giảm hơn 1% do áp lực từ thống kê bất lợi về ngành xây dựng. Số liệu mới nhất cho thấy số nhà mới khởi công ở Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 4, mà nguyên nhân được cho là giá gỗ và các vật tư khác tăng mạnh.
Ngày thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 4. Điều mà giới đầu tư chờ đợi từ biên bản này là quan điểm rõ ràng hơn của các nhà hoạch định chính sách trong Fed về nền kinh tế Mỹ.
“Thị trường đang chờ đón một cuộc chuyển giao”, chiến lược gia Quincy Krosby thuộc Prudential Financial nhận định. “Bởi vậy, tâm lý ham thích rủi ro cũng giảm xuống một chút”.
Mức độ biến động của chứng khoán Mỹ đã gia tăng trong những tuần gần đây, do giới đầu tư lo ngại rằng một nền kinh tế tăng trưởng nóng sẽ buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 0,78%, còn 34.060,66 điểm. S&P 500 trượt 0,85%, còn 4.127,83 điểm. Nasdaq sụt 0,56%, còn 13.303,,64 điểm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiêu này nhiều gấp 1,09 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,07 lần.
Toàn thị trường có 10,01 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,48 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.