"Bóng ma" lạm phát tiếp tục ép chứng khoán Mỹ tụt điểm
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư bán mạnh những cổ phiếu công nghệ lớn vì lo ngại lạm phát tăng tốc...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/5), khi nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh những cổ phiếu công nghệ lớn vì lo ngại lạm phát tăng tốc có thể dẫn tới việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,2%, còn 34.327,79 điểm. S&P 500 mất 0,3%, còn 4.163,29 điểm. Nasdaq trượt 0,4%, còn 13.379,05 điểm.
Gây sức ép lên thị trường phiên này là các cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng cao – nhóm đã hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp trong hơn 1 năm qua. Apple và Netflix giảm 0,9% mỗi cổ phiếu; Microsoft giảm 1,2%; Tesla sụt hơn 2% sau khi nhà đầu tư nổi tiếng Michael Burry tiết lộ đã bán khống mạnh cổ phiếu của hãng xe điện.
Thời gian gần đây, các cổ phiếu tăng trưởng, trong đó có cổ phiếu công nghệ, bị bán nhiều trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là bởi nhà đầu tư lo lắng liệu việc lạm phát bùng lên có trở thành một xu hướng bền vững, hay chỉ là vấn đề tạm thời như trấn an của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu mức lạm phát ở Mỹ vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed trong một thời gian dài, Fed có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Trong trường hợp đó, những cổ phiếu vượt trội trong môi trường lãi suất thấp, đặc biệt là nhóm công nghệ, sẽ đương đầu áp lực mất giá lớn nhất.
“Số liệu lạm phát tăng mạnh đang khoét sâu thêm khoảng cách giữa cổ phiếu tăng trưởng, nhóm phụ thuộc nhiều vào chính sách lãi suất siêu thấp, và cổ phiếu giá trị - nhóm cần một đường cong lợi suất dốc hơn”, Giám đốc đầu tư Lisa Shalett của Morgan Stanley Wealth Management nói với hãng tin CNBC.
“Thị trường vốn chỉ kỳ vọng một sự thay đổi nho nhỏ trong các dữ liệu khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng mức độ gây ngạc nhiên của các con số trên thực tế là rất lớn. Điều này dẫn tới thị trường biến động mạnh và các chỉ số tụt khỏi kỷ lục thiết lập gần đây”, bà Shalett nói thêm. “Mất cân đối cung-cầu về hàng hoá cơ bản, hàng hoá chế tạo, và thậm chí cả nhân công là lý do khiến lạm phát tăng, nên tôi cho rằng xu hướng này có thể chỉ là tạm thời mà thôi”.
Trong 3 phiên đầu tiên của tuần trước, S&P 500 sụt hơn 4% vì nỗi lo lạm phát. Sau đó, chỉ số hồi phục trong hai phiên còn lại và hoàn tất một tuần giảm 1,4%. Nasdaq – chỉ số đặc biệt nhạy cảm với mối lo lạm phát, giảm 2,3% trong tuần trước, còn Dow Jones trượt 1,1%. Đó là tuần giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ ngày 26/2.
Biên bản cuộc họp tháng 4 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, sẽ làm sáng tỏ thêm nhìn nhận của các nhà hoạch định chính sách tại ngân hàng trung ương này về vấn đề lạm phát.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 ở Phố Wall đang dần khép lại, với hơn 90% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh tính đến thời điểm này. Trong số đó, 86% đưa ra mức lợi nhuận cao hơn dự báo, một tỷ lệ cao nhất kể từ khi FactSet bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2008.