20:15 13/09/2022

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm và thị trường trái phiếu đang phát triển không tương đồng

Trên thế giới, việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường. Thế nhưng đây lại là vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” ngày 13/9, ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển lớn hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Don Lambert cũng đưa ra lưu ý, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh cũng đều có rủi ro mang tính hệ thống. Thực tế tại Việt Nam, vấn đề ở chỗ cơ quan xếp hạng tín nhiệm và thị trường trường trái phiếu đang phát triển không tương đồng.

“Xếp hạng chính là ý kiến khuyến nghị. Người đưa ra ý kiến cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert nói.

Thông thường, trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ các nhà đầu tư có thể giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận để cho thấy sự phát triển bền vững và ổn định, qua đó đạt được xếp hạng tín nhiệm tốt. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì các quy định pháp luật thường chặt chẽ hơn.

Thời gian vừa qua Việt Nam chủ yếu chứng kiến các vụ phát hành riêng lẻ và 95% các vụ chào bán trên thị trường trái phiếu là phát hành riêng lẻ. Nhưng nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải xếp hạng thì chẳng ai chịu xếp hạng cả.

“Với khung khổ pháp lý vẫn cần chỉnh sửa thì việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường. Tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert băn khoăn.

Về việc chất lượng và sự cạnh tranh giữa các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, ông Don Lambert cho rằng Việt Nam đã có vài đơn vị xếp hạng tín nhiệm và còn có thêm một số trong thời gian tới.

“Nếu Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Những doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm toàn cầu có những kinh nghiệm tốt và làm việc tại những thị trường phát triển. Những đơn vị xếp hạng toàn cầu có thể giúp đem đến những cách thức và tiêu chuẩn hạng tốt nhất, nhất là những kinh nghiệm và quản trị”, ông Don Lambert nói.

Mặt khác, ông Don Lambert  cũng cho rằng, bên cạnh việc rất cần đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc thì Việt Nam cũng cần có những doanh nghiệp làm theo yêu cầu này để làm ví dụ cho thị trường.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, thời gian qua, thị trường nói nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh.

Tuy nhiên, ông Ánh lưu ý, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng. 

Do đó, quan trọng nhất của trái phiếu doanh nghiệp là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau.

“Tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan”, ông Ánh kiến nghị.