10:14 06/09/2018

Có thể bị thoái hoá khớp ngay từ khi còn trẻ

Hoài Phương

Cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ ít vận động hơn, không chỉ khiến xương khớp mà mức độ lão hóa của nhiều bộ phận khác trên cơ thể cũng diễn ra sớm hơn. Hiện nay, đau nhức xương khớp không còn là vấn đề của người già nữa.


Thoái hóa khớp là bệnh lý do quá trình tái tạo sụn không "đuổi kịp" việc lớp sụn ở khớp bị mất đi theo thời gian. Về lâu dài, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương dần bị mỏng đi và hư tổn, gây đau nhức, hạn chế vận động, bệnh nhân thậm chí có thể bị tàn phế. Thông thường bệnh thường xuất hiện ở người trung niên (45 - 50 tuổi) và phổ biến ở người cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người bị thoái hóa khớp khi mới chỉ 35 tuổi, thậm chí còn trẻ hơn.
Có thể bị thoái hoá khớp ngay từ khi còn trẻ - Ảnh 1.
Thạc sĩ, Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, thống kê tại phòng khám của ông, tỷ lệ người trẻ mắc thoái hóa khớp đã tăng khoảng 20% so với trước đây, chủ yếu là giới văn phòng và người phải hoạt động thể lực quá mức."Thói quen lười vận động là một trong những nguyên nhân gây trẻ hóa thoái hóa khớp. Trong cuộc sống hiện đại, làm việc gì cũng có máy móc và phương tiện hỗ trợ nên giới trẻ ngày càng ít vận động. Điều này khiến cho nhiều bộ phận trên cơ thể rất dễ bị thoái hóa chứ không riêng gì xương khớp," bác sỹ Nam Anh lý giải.
Có thể bị thoái hoá khớp ngay từ khi còn trẻ - Ảnh 2.
Tình trạng thoái hóa khớp càng dễ xảy ra hơn khi người trẻ không chú tâm đến chế độ dinh dưỡng. Nhiều người chuộng cơ thể gầy/ốm nên ăn uống kiêng cữ nhiều, không đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể và khớp. Ngược lại, nhiều người béo phì do chuộng thức ăn nhanh dẫn đến khớp dễ thoái hóa do phải "gánh" quá nhiều trọng lượng.Dấu hiệu của thoái hóa khớp thường gặp là đau khớp lặp đi lặp lại, cử động khớp có tiếng lạo xạo. Đau nhức xương khớp thường hay gặp nhất ở một số bộ phận như:- Đau vai gáy: đau lan xuống một bên cánh tay, sờ vào da thấy lạnh, cơ ở vùng cổ bị co cứng, quay đầu rất khó khăn, toàn thân mệt mỏi, kém vận động.
- Đau ở gót chân: đau nhức buốt trong gót chân, càng giá lạnh càng đau tăng, nhìn bên ngoài không thấy sưng, bàn chân và cẳng chân lạnh. Bàn chân có cảm giác tê bì, đi lại khó khăn. Toàn thân mệt mỏi, ăn ngủ kém, ngại vận động.- Đau nhức khớp do thoái hóa khớp: đau lưng, ù tai, ngủ ít, nước tiểu trong, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần...
Có thể bị thoái hoá khớp ngay từ khi còn trẻ - Ảnh 3.
Đặc biệt, người bệnh có cảm giác đau tăng khi thời tiết thay đổi. Nhiều người còn gọi là "bệnh thời tiết". Sau quãng thời gian đau, người bệnh có cảm giác chân tay mỏi rã rời, chẳng muốn làm gì, không muốn vận động và ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Nếu gặp những triệu chứng trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị sớm, và không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau.Cách tốt nhất để phòng ngừa thoái hoá khớp là xây dựng một chế độ sinh hoạt điều độ, thường xuyên tập thể thao, chế độ ăn cân bằng đầy đủ các chất… ngay từ khi chưa xuất hiện các dấu hiệu đau khớp. Đối với người phải ngồi nhiều như giới văn phòng, cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế thường xuyên sau 1 - 2 giờ. Cần thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cho cơ và khớp bị mỏi. Đặc biệt, tránh dùng bia rượu và các chất kích thích thần kinh vì các chất này thường gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh khớp.