15:17 17/09/2008

Có thể thống kê lượng xăng dầu gian lận?

Đức Phan

Một câu hỏi đang được đặt ra: liệu có thể thống kê được lượng xăng dầu mà các đơn vị kinh doanh đã gian lận không?

Tính đến thời điểm hiện tại, qua quá trình tổng hợp kết quả thanh kiểm tra trên cả nước, đã có 29 đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm ở 12 tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, qua quá trình tổng hợp kết quả thanh kiểm tra trên cả nước, đã có 29 đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm ở 12 tỉnh.
Ngày 16/9, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố danh tính các cơ sở kinh doanh xăng dầu ở trên cả nước vi phạm, lắp thêm bảng mạch điện tử làm thay đổi tình trạng kỹ thuật thiết bị đo, gian lận trong đo lường.

Một câu hỏi đang được đặt ra: liệu có thể thống kê được lượng xăng dầu mà các đơn vị kinh doanh đã gian lận không? Xung quanh vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ - nói:

- Việc tính toán lượng xăng dầu gian lận không thể võ đoán, mà phải trên cơ sở khoa học và theo quy định của pháp luật. Các cơ quan hoàn toàn có thể tính toán được lượng xăng dầu vi phạm, nhưng hiện nay do không quy định bắt buộc phải tính, nên các cơ quan thanh kiểm tra không tính toán lượng cụ thể.

Chỉ khi xác định yếu tố cấu thành tội phạm với mức độ vi phạm sai số đo, quy mô và gây thiệt hại cho xã hội... các cơ quan chuyên môn mới tính toán lượng cụ thể.

Pháp luật hiện nay không buộc thu hồi và bồi thường, nên các cơ quan không tính toán lượng cụ thể. Trước đây, khi sửa đổi quy định pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan làm luật cũng đặt ra vấn đề khắc phục hậu quả, thu hồi đóng góp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên do vướng mắc về cách tính như thế nào để khi thực thi không tùy tiện, nên vấn đề này đã không được đưa quy định mà chỉ xử phạt hành chính, răn đe ngay.

Hiện nay, nếu Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thấy đủ yếu tố và cần bồi thường thì có thể khởi kiện theo thủ tục dân sự.

Sẽ điều chỉnh mức xử phạt?

Quan điểm của ông thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức xử lý các đơn vị vi phạm chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe nên cần phải có chế tài mạnh hơn nữa, thậm chí thu giấy phép kinh doanh hoặc khởi tố?

Theo quy định của pháp luật, trước đây những hành vi vi phạm như thế sẽ chịu mức phạt từ 13- 20 triệu đồng. Mức này bao gồm cả những vấn đề vi phạm nhỏ như việc điều chỉnh sai số cân đong... nên không hợp lý và quá nặng.

Tuy nhiên, với những hành vi vi phạm nghiêm trọng như trong kinh doanh xăng dầu thì lại quá nhẹ. Xử lý hành chính, phạt tiền vi phạm là rất quan trọng nhưng cho dù có nâng mức phạt tiền lên bao nhiêu chăng nữa thì cũng không so sánh được với giá trị hàng hoá vi phạm, không biết bao nhiêu cho vừa để đủ sức răn đe. Vì vậy, ít nhất cần phải có một mức nhất định để điều chỉnh cho các lĩnh vực vi phạm ở cả nhóm trên và nhóm dưới.

Trên cơ sở đó, việc xử lý sắp tới sẽ theo hướng tách ra theo giá trị phương tiện đo để nhóm vi phạm dưới không quá nặng và nhóm trên không quá nhẹ. Nếu giá trị phương tiện đo dưới 500 thì mức xử phạt thấp hơn và trên 500 thì áp dụng mức phạt cao hơn và có thể lên đến mức hết khung 20 triệu đồng.

Bộ đang đề nghị xây dựng và ban hành một nghị định xử phạt vi phạm mới cho phù hợp hơn trong lĩnh vực này thay thế nghị định đang hiện hành để có thể điều chỉnh hành vi vi phạm ở cả nhóm trên và nhóm dưới.

Việc xử phạt các đơn vị vi phạm quan trọng nhất là các hình thức phạt bổ sung trong đó có xem xét đình chỉ kinh doanh. Việc phạt bổ sung nằm trong pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với hai hình thức: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các trường hợp vi phạm tới mức đình chỉ hoặc tước giấy phép kinh doanh.

Trong quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng chuyên môn. Từ trước tới nay, chưa có vụ vi phạm nào được chuyển qua xử lý hình sự nhưng khi các ngành đã cùng vào cuộc thì việc này sẽ dễ thống nhất hơn.

Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần thì có thể sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hình sự để răn đe các đơn vị khác.

Hiện nay Việt Nam mới chỉ xử lý các đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm. Vậy những cá nhân, đơn vị cung cấp các thiết bị công nghệ này thì xử lý thế nào, thưa ông?

Theo các chuyên gia thì đây chỉ là bảng vi mạch điện tử thông dụng, phổ biến với giá rẻ, chỉ cần một người có trình độ tin học bình thường như sinh viên cũng có làm được trong một ngày.

Bộ đang đề nghị lực lượng công an vào cuộc điều tra truy tận gốc nguồn cung cấp các thiết bị công nghệ này, xử lý quyết liệt và nghiêm khắc cả đầu vào cung cấp và đầu ra sử dụng.

Sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất

Ông có thể cho biết kết quả bước đầu việc thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước?

Hiện nay, qua quá trình tổng hợp kết quả thanh kiểm tra trên cả nước, đã có 29 đơn vị vi phạm ở 12 tỉnh. Tỉnh có số lượng vi phạm nhiều nhất là Nghệ An với 9 đơn vị; tiếp đó Gia Lai 7 đơn vị; Bình Dương 3 đơn vị; Đắc Lắc 2 đơn vị, Đắc Nông 2 đơn vị. Còn lại các tỉnh thành như: Đồng Nai, Tp HCM, Hưng Yên, Long An, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, đều có 1 đơn vị vi phạm.

Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị vi phạm số tiền hơn 400 triệu đồng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ tiếp tục công khai danh tính các đơn vị vi phạm, nêu lên các hành vi, thủ đoạn vi phạm để người dân biết, cảnh giác và giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu khi đi mua.

Trước đây, người dân khi mua xăng thường không để ý đến sự chênh lệch giữa đồng tiền và lượng xăng. Trước đây, chưa công khai kết quả kiểm tra nhưng hiện nay, vấn đề này đã công bố rộng rãi để toàn dân giám sát.

Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn triệt để các hình thức vi phạm? Bộ có tiếp tục kế hoạch thanh kiểm tra tiếp sau đợt ra quân này không?

Do việc vi phạm đo lường trong kinh doanh xăng dầu còn phức tạp, tinh vi nên trong lần thanh kiểm tra này, Bộ đã không tiến hành theo định kỳ mà thanh, kiểm tra đột xuất.

Theo kế hoạch, đợt thanh kiểm tra lần này sẽ triển khai đến hết tháng 9/2008 nhưng trước tình trạng này, Thanh tra Bộ đang đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai lập các đường dây nóng, thường trực để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của dân. Trên cơ sở đó các cơ quan sẽ tiếp tục có chế độ thanh kiểm tra đột xuất.

Mặt khác việc áp dụng các biện pháp mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép... có thể sẽ mang lại hiệu quả răn đe cao hơn.