21:22 21/02/2011

Còn “cửa” cho chứng khoán?

Nguyễn Hoàng

Sự đổ vỡ tâm lý đã tạo nên một phiên sụt giảm mạnh nhất trong vòng một năm qua khi nhà đầu tư ồ ạt thoát ra cùng một lối

Hơn một năm nay sàn chứng khoán mới chứng kiến một phiên giao dịch thảm bại như vậy.
Hơn một năm nay sàn chứng khoán mới chứng kiến một phiên giao dịch thảm bại như vậy.
Kể từ tháng 11/2009 đến nay, VN-Index mới lại chứng kiến một phiên sụt giảm trên 20 điểm. Sự đổ vỡ tâm lý đã tạo nên một phiên giao dịch với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn khi nhà đầu tư ồ ạt thoát ra cùng một lối.

Tắt lịm “cửa” giảm lãi suất?

Kỳ vọng về cơ hội nới lỏng bớt chính sách tiền tệ, giảm lãi suất thương mại khi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 quanh mốc 1,4% có vẻ đã “tắt lịm” với những thông tin mới nhất công bố sáng nay. CPI Hà Nội và Tp.HCM tăng tương ứng 1,98% và 1,61%. Mặc dù cả hai con số này có vẻ không cao như dự tính của tháng Tết nhưng bình quân cũng đã tăng gần 1,8%.

Như vậy để có thể đưa CPI cả nước về mức thấp hơn bình quân hai thành phố chính, các địa phương khác phải có mức tăng CPI thấp hơn khá nhiều. 

Việc mức tăng CPI của Hà Nội và Tp.HCM thấp hơn 2% khiến thị trường tỏ ra nghi ngờ khi đợt Tết vừa qua, giá cả biến động khá mạnh. Ngoài ra, việc bình ổn giá tại các thị trường trọng điểm có thể tác động đến giá hàng hóa tại các địa bàn này, trong khi các địa phương khác chịu ảnh hưởng khá nhiều của thời tiết. Áp lực của giá điện tăng và rất có thể là cả giá xăng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng tháng 3 và các tháng tiếp theo.

Khả năng CPI tháng 2 quanh mức 1,4% - ngưỡng mà theo Ngân hàng nhà nước sẽ có biện pháp để giảm lãi suất - là khá thấp. Khả năng kìm giữ CPI 6 tháng đầu năm ở mức dưới 3,5% càng xa vời. CPI tăng cao chắc chắn gây áp lực lên định hướng chính sách tiền tệ phải thắt chặt để kiểm soát.

Những động thái chính sách gần đây cũng cho thấy định hướng này. Ngày 17/2, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất tái cấp vốn lên 11%. Lãi suất này ít được biết tới nhưng đánh vào khả năng vay mượn vốn rẻ từ Ngân hàng Trung ương và phát đi thông điệp về định hướng thắt chặt tiền tệ. Một thông điệp nữa vừa phát đi hôm nay của Ngân hàng Nhà nước cho biết đề xuất đã được Thủ tướng đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong cả năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18-19%.

Trước đó theo kế hoạch từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng được dự kiến ở mức 23%. Đây là sự điều chỉnh mang tính chất thắt chặt tín dụng rất rõ ràng. Việc giảm tăng trưởng tín dụng được ước đoán sẽ giảm cung tiền khoảng 50.000 tỷ đồng. Một công cụ khác là lãi suất cũng sẽ được sử dụng để giảm tổng cầu, hàm ý một khả năng điều chỉnh lãi suất linh hoạt. 

Xâu chuỗi nhưng động thái chính sách và những tín hiệu thị trường cho thấy trọng tâm hàng đầu lúc này là kiềm chế lạm phát. 

Ức chế với hiệu ứng chính sách

“Loạn” hiệu ứng tỷ giá là điều dễ nhận thấy nhất trong hơn một tuần gần đây. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm, thị trường ngoại tệ trở thành tâm điểm trong mối quan tâm của giới đầu tư. Liên tiếp các thông tin về thị trường tự do “nổi loạn” bất chấp những phân tích rất khoa học của giới chuyên gia khiến nhà đầu tư càng mất phương hướng.

Trong khi mức tăng tỷ giá được cho là phù hợp với miền kỳ vọng của thị trường, dập tắt kỳ vọng điều chỉnh tiếp trong ngắn hạn thì hàng loạt thông tin về việc ngân hàng tiếp tục thu phí của doanh nghiệp, mua USD không khó, chỉ có giá phù hợp hay không... Đỉnh điểm là những thông tin được phát ngôn chính thức của đại diện doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về việc không mua đủ ngoại tệ, mặc dù VND chất đầy tài khoản. 

Ngày 19/2 Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin khẳng định thông tin khan hiếm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu là không có cơ sở. Các ngân hàng thương mại phục vụ nhập khẩu xăng dầu đã cung ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu phục vụ cho nhu cầu dự trữ và lưu thông xăng dầu trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên sáng nay, đại diện của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn cho rằng việc đảm bảo ngoại tệ và việc mua được ngoại tệ là hai vấn đề khác nhau. Việc đảm bảo đủ ngoại tệ nhập hàng vẫn chưa thực sự giải quyết được.

Hiện tại thị trường đang tiếp nhận rất nhiều thông tin lộn xộn liên quan đến khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ. Bất chấp các phân tích, chỉ khi nào thị trường tự do bình ổn, doanh nghiệp không kêu ca về sự khan hiếm ngoại tệ thì niềm tin vào hiệu ứng của chính sách mới bền vững.

Cơ hội nào cho chứng khoán?

Tập hợp những thông tin tiêu cực dồn nén trong hơn một tuần qua đã bộc phát trong một phiên “ngày thứ Hai đen tối”. Thông tin tức thời tạo sự đổ vỡ có thể là mức tăng CPI hoặc thông điệp thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, sự lo ngại mơ hồ đã có từ trước và khi số đông nhà đầu tư quyết định giảm bớt rủi ro bằng cách bán ra thì điểm rơi tâm lý càng lớn và hiệu ứng tuyết lở khiến cổ phiếu giảm sàn ồ ạt.

Trên góc độ kỹ thuật, hôm nay có thể là một phiên “tạm gọi” là quét sạch (wash-out). Đặc điểm của một phiên như vậy thể hiện ở lượng cổ phiếu giảm giá, đặc biệt là giảm sàn: 198 mã tại HSX và 211 mã tại HNX giảm sàn. Lịch sử cho thấy rất hiếm những phiên có số lượng mã giảm sàn lớn như vậy. Chẳng hạn gần nhất là phiên chạm đáy ngày 25/8/2010 có 152 mã giảm sàn tại HSX và 199 mã tại HNX.

Lịch sử cũng cho thấy thông thường sau một phiên rơi mạnh gần kịch biên độ như vậy, giá có diễn biến phục hồi kỹ thuật. Đó là do nhà đầu tư trở nên bình tĩnh hơn khi nhận thấy tâm lý bị cộng hưởng bởi đám đông quá mạnh. Người bán có thể dừng bán hoặc những ai muốn bán đã bán hết, trong khi người mua bắt đáy tăng lên. Tương quan cung cầu có thể thay đổi trong ngắn hạn.

Điểm mấu chốt là liệu một phiên “wash-out” như vậy đã giải tỏa hết lượng hàng muốn thoát ra hay chưa? Tiếp đến là mức giảm giá như vậy đã “chiết khấu” hết tin xấu và đủ cân bằng với rủi ro để người mua giải ngân mạnh hơn hay chưa? Giá giảm sàn chắc chắn sẽ kích thích lòng tham mua vào, nhưng khó có thể kích thích họ “dốc túi”.

Trên góc độ VN-Index, mức hỗ trợ gần nhất là khoảng 470 điểm. Với tốc độ rơi mạnh, khả năng chỉ số sẽ chạm tới trong một hai phiên tới. Lực cầu bắt đáy tại điểm này có thể tăng lên. Tuy nhiên, sóng tháng 1/2011 là sóng của một vài cổ phiếu lớn - chẳng hạn BVH - nên rất nhiều cổ phiếu khác thực tế đang ở mức hỗ trợ thấp hơn nhiều. Đó cũng là yếu tố hỗ trợ cho lực mua vào.

Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán phải điêu đứng với những tin xấu và sự “bất hợp tác” của chính sách. Lần nào thị trường cũng tìm cho mình được điểm cân bằng - dĩ nhiên là cần có thời gian. Cơ hội đang mở rộng cho những người bảo toàn được vốn.