10:49 22/04/2023

Còn khoảng trống hành lang pháp lý cho Fintech

Nhĩ Anh

Sự phát triển Fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm năng lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, do quy định pháp lý chưa rõ ràng, vẫn còn những khoảng trống cần hoàn thiện để thị trường tài chính số phát triển bền vững...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chuyên gia đã nhấn mạnh điều này tại tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức ngày 21/4/2023.

CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH SỐ PHÁT TRIỂN RẤT MẠNH

Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, câu chuyện chuyển đổi số đã diễn ra một cách sâu rộng và ngày càng chứng minh sự cần thiết, tính đúng đắn và hiệu quả. Một ví dụ rất đơn giản là giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một cá nhân đã có thể giải quyết nhiều vấn đề của đời sống.

Chia sẻ về hiện trạng tài chính số hiện nay, ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế số, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết công nghệ tài chính đang chứng kiến sự phát triển đột phá.

Trên thế giới, Fintech có 3 hướng chính.

Thứ nhất là các ngân hàng đang dựa vào sự tiến bộ của công nghệ tài chính để số hóa quy trình nghiệp vụ.

Thứ hai là các Fintech và BigTech tham gia phối hợp với các ngân hàng cũng như các tổ chức đang hoạt động trên thị trường tài chính, đồng thời cạnh tranh với chính các ngân hàng truyền thống.

Và hướng phát triển lớn thứ ba là thành lập các ngân hàng số.

Tọa đàm "tương lai tài chính số"
Tọa đàm "tương lai tài chính số"

Tại Việt Nam, về nghiệp vụ, các hoạt động doanh thu, thanh toán, giải ngân ở các ngân hàng hiện nay đã áp dụng nhiều công nghệ số.

Về Fintech, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp fintech có tên tuổi, 72% Fintech kết hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ, 28% còn lại hoặc tự phát triển các dịch vụ mới, hoặc cạnh tranh với các ngân hàng.

Ông Dương Quốc Anh cho rằng sự phát triển của Fintech ở Việt Nam dù rất nhanh, nhiều tiềm lực nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả Fintech và nhà đầu tư do quy định pháp lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các Fintech đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực; chi phí đầu tư, vận hành lớn; quy định pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ; công tác bảo mật thông tin khách hàng còn nhiều bất cập.

Mặc dù hiện tại công nghệ tài chính đang phát triển rất mạnh, nhưng cho tới nay, chưa quốc gia nào có thể khẳng định có đủ hệ thống pháp lý về lĩnh vực này.

Nhìn nhận ở khía cạnh thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch eCap Holding, khẳng định thị trường tài chính tiêu dùng đang có tiềm năng rất lớn. Tiềm năng thị trường này khoảng 43 triệu tỷ đồng, chiếm 25% là thị trường tài chính chính thống, còn lại là thị trường tài chính phi chính thống…

Từ bức tranh này ông Tuấn cho rằng các hệ thống tài chính chính thống chưa thể tiếp cận được hết số người dân có nhu cầu. Do đó, mặc dù tài chính phi chính thống có quá nhiều bất cập với lãi cao nhưng vẫn nhiều người dùng bởi yếu tố tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và phù hợp.

Lấy ví dụ từ hoạt động ứng dụng ứng lương sớm doanh nghiệp đang triển khai, ông Tuấn cho biết, các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, khi có việc đột xuất mà chưa đến tháng nhận lương thường đi vay bằng kênh tài chính tín dụng bên ngoài như tín dụng đen với lãi suất rất cao.

Tại nhiều doanh nghiệp, công nhân sẵn sàng bỏ việc nếu như không được tạm ứng lương để lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, doanh nghiệp tương đối khó khăn trong việc đáp ứng dòng tiền này. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp fintech hoàn toàn có thể nắm bắt”, ông Tuấn nói.

Để các công ty Fintech có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, cần cái nhìn cởi mở hơn đối với doanh nghiệp Fintech. “Các ngân hàng hoàn toàn có thể coi các doanh nghiệp Fintech là cánh tay nối dài của mình trong việc phục vụ thị trường tài chính tiêu dùng".

HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ ĐỂ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH SỐ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chia sẻ thêm góc nhìn, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhấn mạnh ngành tài chính ngân hàng cũng như nền kinh tế đã có những thay đổi. Đề cập đến các hiệp định thương mại thế hệ mới gần đây có sự khác biệt rất lớn, ông Bình cho rằng, những quy định đó, không chỉ tác động tới hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp Fintech, công ty tài chính mà cả hệ sinh thái tài chính số.

Theo đó, trên cơ sở các hiệp định thương mại thế hệ mới, các doanh nghiệp FDI sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính số, ngân hàng số. Các hiệp định này cũng thúc đẩy giao dịch trực tiếp (P2P) giữa người mua ở nước ngoài và người bán ở Việt Nam và thanh toán xuyên biên giới.

Bên cạnh đó nó cũng thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo toàn bộ giao dịch được thực hiện trên môi trường số; thúc đẩy cải cách về môi trường kinh doanh, môi trường pháp luật, chính sách tài chính số, ngân hàng số tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Bình, hiện nay tại việc hoàn thiện pháp lý tại Việt Nam chậm, còn những khoảng trống pháp lý về hoạt động Fintech và ngân hàng số.

Ở các nước đã có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox với cho vay ngang hàng, khoanh vùng để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cơ chế Sandbox cho các vấn đề này.

Hy vọng các Hiệp định thương mại này sẽ đẩy mạnh hơn nữa cải cách quy định pháp luật, tạo nền tảng để các doanh nghiệp khởi nghiệp yên tâm hơn, được bảo vệ tốt hơn trong môi trường kinh doanh hiện nay, thu hút đầu tư từ các quốc gia vào các lĩnh vực đang rất tiềm năng hiện nay như tài chính số, ngân hàng số….

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định 5-6 năm trước, Việt Nam đã nói nhiều về Fintech và đã có yêu cầu về khuôn khổ pháp lý, cơ chế thử nghiệm Sandbox nhưng chúng ta đã đi quá chậm. Trong bối cảnh pháp lý còn khoảng trống, thay vì phát triển được 10 phần, đi 10 bước, thì chúng ta chỉ có thể đi 5 bước, đạt được nửa tiềm năng.

Theo ông Đồng, các doanh nghiệp trong ngành nên ưu tiên cho việc quản lý về mặt pháp lý chứ không chỉ tập trung vào sản phẩm. Chuyên gia đề nghị Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam nên có bộ phận pháp lý để tư vấn cho các doanh nghiệp. Về dài hạn, Hiệp hội nên đẩy mạnh tư vấn chính sách, còn doanh nghiệp nên kết hợp với hiệp hội để giảm thiểu rủi ro về pháp lý.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế, để cùng tạo nên một nền tài chính số phát triển bền vững.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính số, ông Tuấn nhấn mạnh tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành tài chính số còn rất lớn, trong đó, Fintech rất năng động. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp lý về tài chính số vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các Fintech, bởi các Fintech không muốn làm sai nhưng nhiều khi không biết làm thế nào cho đúng.

 

Tại tọa đàm, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã ra mắt Đặc san Tương lai tài chính số. Ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính -VietnamFinance, cho biết việc xuất bản Đặc san là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch phát triển các nội dung về kinh tế tài chính số trong tương lai. 

Thông qua ấn phẩm này kỳ vọng đem đến cho bạn đọc góc nhìn tổng quan về tài chính số. Với 300 trang, Đặc san hướng đến nhận diện rõ thực trạng về kinh tế số Việt Nam, những cơ hội, thách thức cũng như giải pháp để kinh tế số trở thành tương lai của nền kinh tế Việt Nam.