15:55 22/02/2023

Thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm sau

Nam Anh

Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa) trong báo cáo về ngành fintech tháng 2/2023 công bố có dẫn dự báo của Robocas Group, rằng thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao…

Diễn biến thảo luận về ví điện tử trên mạng xã hội - Nguồn: Reputa.
Diễn biến thảo luận về ví điện tử trên mạng xã hội - Nguồn: Reputa.

Báo cáo của Reputa cho biết, trong tháng 1/2023, tiền ảo/ Blockchain có tỷ lệ thảo luận vượt trội hơn so với các thảo luận khác, gấp 17 lần so với thanh toán điện tử. Diễn biến thảo luận ngành có xu hướng tăng lên vào các ngày cuối tháng 1 và đạt đỉnh với 12,715 thảo luận. Độ tuổi thảo luận nhiều nhất từ 25 đến 34 tuổi, chiếm 54% trong tổng số người dùng thảo luận về fintech. Đây cũng là đối tượng sử dụng các ứng dụng fintech như thanh toán điện tử nhiều nhất.

Tuy có sự giảm nhẹ 1,5 lần so với tháng 12/2022, trên “sân chơi” fintech, ví điện tử MoMo vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng xếp hạng với Total Score đạt 128,19. Trong tháng 1, MoMo nhận về 2,357,607 tổng tương tác từ các bài viết trên nền tảng Facebook. Trong đó, bài viết minigame “Sáng tạo mã QR-Mê say rước lộc về nhà liền!” với tổng giải thưởng lên tới 50 triệu đồng, được người dùng hưởng ứng nhiệt tình nhận về hơn 13.390 tương tác. ZaloPay bất ngờ vượt lên 4 bậc, đạt vị trí top 2 với Total Score tăng gấp 9,5 lần tháng 12/2022. Với những minigame tăng tương tác như “Chia sẻ story này đi” hay “Tương tác đón lộc ví vàng” cùng nhiều lì xì hấp dẫn cho dịp đầu xuân năm mới.

Thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm sau - Ảnh 1

Trong tháng qua, MB Bank tiếp tục đứng top 1 bảng xếp hạng ngân hàng số theo mức độ phổ biến trên Mạng xã hội, với điểm Total Score đạt 6,1 tăng 23.9%. Nổi bật nhất với bài viết chúc mừng năm mới trên fanpage MB Bank thu về 741 lượt tương tác. Nhìn chung, top 5 Bảng xếp hạng tháng 2/2023 lượng thảo luận đang có chiều hướng tăng lên. TP Bank vượt lên top 2, tăng 32%, đạt 5,72 điểm Total Score thông qua các bài viết nổi bật như minigame “Năm MÈO mong …” nhận về 8,523 lượt tương tác. Bên cạnh đó Vietcombank có sự sụt giảm mạnh, giảm 93,1% so với tháng trước.

Về lượng thảo luận của 3 loại hình fintech, lượng thảo luận của 3 loại hình đều giảm đi so với tháng trước. Cụ thể, “thanh toán điện tử” ghi nhận giảm 36,26%, “mô hình gọi vốn” giảm 27,42% và các loại hình khác giảm 13,6% đến từ người dùng mạng xã hội.

Thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm sau - Ảnh 2

Trong các yếu tố người dùng quan tâm khi sử dụng, người dùng các sản phẩm Fintech thường quan tâm nhiều đến các hoạt động quảng bá từ KOLs và các sự kiện, chiếm hơn 66% lượng quan tâm. Trong khi đó, lỗi bảo mật là yếu tố mà người dùng quan tâm trong trải nghiệm chăm sóc khách hàng, chiếm 80,85% lượng thảo luận.

Dựa trên kết quả thống kê từ Social Listening của Reputa, tháng qua BIDV ra mắt BIDV Smart Kids dịch vụ ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam cho phép trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Grab hợp tác cùng ZaloPay cùng nhau thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt lên một tầm cao mới. Đến cuối tháng 1, VNPay lọt vào top 1 ứng dụng miễn phí được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất trên nền tảng AppStore.

Thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm sau - Ảnh 3

“Sự lạnh lẽo trên thị trường vốn mạo hiểm trong năm 2022 kéo theo sự ảm đạm chung của thị trường khởi nghiệp thế giới. Tuy nhiên, fintech vẫn là một điểm sáng, ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư cao nhất trong năm. Theo dự báo của Robocas Group, thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024”, báo cáo của Reputa nhấn mạnh.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 40 ví điện tử và thị trường được đánh gia đang trong giai đoạn bùng nổ với 90% thị phần thuộc về 3 ví Momo, Moca và ZaloPay. Tiếp đến là các ví ShopeePay (AirPay), ViettelPay và VNPT Pay. Sáu ví điện tử này cùng nhau chiếm tổng cộng 99% thị trường. Theo nghiên cứu của Decision Lab, cuối năm 2021, 56% dân số Việt Nam sử dụng Momo, ShopeePay (17%), ZaloPay (14%), ViettelPay (8%), Moca (2%) và VNPT Pay (1%).