Công an Hà Nội cảnh báo các thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi
Các thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử ngày càng tinh vi, nhỏ gọn dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, USB…nên cán bộ coi thi rất khó phát hiện được
Các thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử ngày càng tinh vi, nhỏ gọn dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, USB…nên cán bộ coi thi rất khó phát hiện được. Nếu để thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ ra ngoài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đó là thông tin tại hội nghị hướng dẫn coi thi Trung học phổ thông quốc (THPT) gia năm 2019, do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 21/6 tại Hà Nội.
Phòng bảo quản đề thi có camera giám sát 24 giờ/ngày
Liên quan đến việc chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị làm làm việc của các điểm thi, ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhấn mạnh, cần quan tâm đặc biệt đến các phòng thi gần nhà dân, gần đường giao thông, các phòng thi này phải có cửa sổ chắc chắn và đóng khi thí sinh đang thi để đảm bảo không để đề thi lọt ra ngoài.
Điểm mới của kỳ thi năm nay là đề thi, bài thi của thí sinh phải được bảo quản tại phòng riêng, có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày. Số lượng, vị trí camera phải đảm bảo bao quát toàn bộ hoạt động trong phòng.
Tại những điểm thi có thí sinh không dự thi đủ các môn thi trong bài thi tổ hợp, thí sinh bắt đầu vào dự thi ở môn thi thành phần thứ hai hoặc môn thi thành phần thứ ba của bài thi tổ hợp, điểm thi phải đủ phòng chờ cho thí sinh trước khi vào phòng thi.
Khi thí sinh hoàn thành bài thi ở môn thi thứ nhất hoặc môn thi thứ hai trong bài thi tổ hợp, điểm thi phải bố trí phòng chờ cho thí sinh cho đến khi hết 2/3 giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi điểm thi.
Cán bộ coi thi phải bảo vệ đề thi trong giờ thi, không để lọt đề ra ngoài. Sau khi tính giờ làm bài 15 phút (đối với bài thi độc lập và mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp), cán bộ coi thi nộp các đề thi thừa đã được niêm phong cho người được trưởng điểm thi phân công. Chỉ cho thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài đối với bài thi tự luận khi thí sinh đã nộp bài làm, đề thi và giấy nháp, đặc biệt không thu phiếu trả lời trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
Cảnh báo một số thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao
Cũng để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Công an Tp.Hà Nội đã cảnh báo một số thiết bị gian lận thi cử phổ biến đang được sử dụng nhiều trong thời gian vừa qua.
Qua theo dõi thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn Tp.Hà Nội những năm vừa qua, đại diện công an thành phố cho biết, đơn vị đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến đối tượng có hoạt động kinh doanh, buôn bán các thiết bị công nghệ cao để bán cho thí sinh phục vụ gian lận trong quá trình thi.
Theo đại diện Công an Tp.Hà Nội, hiện số lượng và chức năng của các thiết bị công nghệ cao này rất đa dạng, đặc biệt là các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, thu phát sóng, nên nếu không chủ động nhận diện chính xác các thiết bị này và có thái độ kiên quyết chống tiêu cực, gian lận trong khi thi thì rất khó phát hiện.
"Nếu để thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì kết quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng, vì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ và có thể lan truyền trên mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường", đại diện Công an Tp.Hà Nội lưu ý.
Qua theo dõi, Công an Tp.Hà Nội cho biết, trên thị trường hiện nay các đối tượng đang giao dịch hai dạng thiết bị thu phát phổ biến là có dây và không dây. Thiết bị có dây thường được các thí sinh ngụy trang dưới cổ áo, giấu trong trang phục hay khâu chìm bên trong các lớp áo để tránh sự phát hiện của cán bộ coi thi.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn chính là các thiết bị thu phát không dây được ngụy trang khéo léo, dưới dạng như: cúc áo, thẻ ATM (với giá bán từ 1 - 5 triệu đồng), bút, USB, chìa khóa xe ô tô, kính cận, máy tính casio có lắp đặt hệ thống thu phát sóng, đồng hồ…Trên thực tế, các thiết bị này đều có chức năng thu phát toàn bộ tín hiệu, thậm chí bằng hình ảnh để phục vụ gian lận thi.
Đại diện Công an Tp.Hà Nội thừa nhận, các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhỏ gọn, nên cán bộ coi thi rất khó phát hiện, âm thanh phát ra rất nhỏ mà chỉ có thí sinh mới nghe được, do đó thí sinh sẽ chuyển đề ra bên ngoài cũng như nhận lời giải qua các thiết bị này.
Trước những thực tế như vậy, đại diện Công an Tp.Hà Nội khuyến cáo một số cách thức phòng ngừa và phát hiện hành vi gian lận thi. Đó là, trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không mang các thiết bị di động vào phòng. Đồng thời, có thái độ răn đe, nêu rõ hậu quả vi phạm đối với thí sinh nếu bị phát hiện xử lý.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/6/2019, với hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000 em. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.