22:10 10/07/2008

Công bố thông tin: Sai cũng không thể phạt quá lớn

Lê Hường

Thông báo phạt vì sai phạm trong công bố thông tin liên tục tăng nhưng sai phạm vẫn tiếp diễn, vì đâu?

"Trong một số trường hợp, thậm chí công ty đại chúng không tổ chức đại hội cổ đông. Vì vậy, nhà đầu tư thường không có cơ sở hoặc không có cơ hội để chất vấn ban lãnh đạo công ty”.
"Trong một số trường hợp, thậm chí công ty đại chúng không tổ chức đại hội cổ đông. Vì vậy, nhà đầu tư thường không có cơ sở hoặc không có cơ hội để chất vấn ban lãnh đạo công ty”.
Chuyện công bố thông tin của các công ty đại chúng không chỉ là vấn đề bức xúc của các nhà đầu tư mà còn là bài toán khó trong công tác quản lý thị trường của cơ quan chức năng.

Tên gọi còn xa lạ thì sao giám sát?

Một trong những mục tiêu quan trọng để một doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân trở thành công ty đại chúng là tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của công ty, qua đó nâng cao khả năng quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kỳ vọng này hầu như chưa đạt được kết quả đáng kể trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Căn cứ để nhà đầu tư quyết định mua bán cổ phiếu của mình là phân tích tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng không phải công ty đại chúng nào cũng cung cấp báo cáo tài chính đúng hẹn. Hơn nữa, các nhà đầu tư thường rất hoài nghi về tính chân thực của những con số trên báo cáo.

Là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu thị trường vốn Việt Nam, ông Norikata Akamatsu, Chuyên gia tài chính trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định, mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư là sự thiếu minh bạch trên thị trường.

“Hiện nay, một số công ty đại chúng thậm chí không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin và các nhà đầu tư không có điều kiện để hiểu đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, thậm chí công ty đại chúng không tổ chức đại hội cổ đông. Vì vậy, nhà đầu tư thường không có cơ sở hoặc không có cơ hội để chất vấn ban lãnh đạo công ty” ông Norikata nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng nên có sự phối hợp giữa báo cáo của các doanh nghiệp với thông tin từ các tổ chức tín dụng để xác định đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Con số thống kê chính xác về số lượng công ty đại chúng đang hoạt động tại Việt Nam là hầu như không thể tìm được, nhưng có thể khẳng định gần 1.000 công ty đang được Ủy ban Chứng khoán quản lý chỉ là một con số rất nhỏ trong tổng số công ty đại chúng hiện nay. Tên gọi của một số công ty đại chúng thậm chí còn xa lạ với cơ quan chức năng huống hồ là việc giám sát, quản lý nghĩa vụ công bố thông tin của họ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán cho biết, theo luật, Ủy ban phải giám sát tất cả các công ty đại chúng.

Nhưng đến nay, cơ quan này mới giám sát được những công ty có đăng ký với Ủy ban Chứng khoán, hoặc những doanh nghiệp rất lớn, chẳng hạn, các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm với số vốn rất lớn.

“Nhìn chung, nhận thức của các công ty đại chúng về nghĩa vụ công bố thông tin theo luật là chưa tốt. Phổ biến nhất là việc các công ty đại chúng phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng không xin phép Ủy ban Chứng khoán, phát hành riêng lẻ không báo cáo” ông Nguyễn Sơn nhận xét.

Chính vì vậy, Ủy ban Chứng khoán cũng rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về nghĩa vụ công bố thông tin của các công ty đại chúng, nhưng kết quả thì chưa được như mong muốn. Những buổi tập huấn cho các công ty đại chúng về hoạt động công bố thông tin do Ủy ban tổ chức thường có rất ít người tham dự so với số lượng được mời và trong đa số trường hợp, đến dự là những cán bộ không chuyên trách.

Liên tục phạt nhưng vẫn chưa giảm sai phạm

Trong khi đó, việc doanh nghiệp bị phạt vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin liên tục được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng và chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Ông Norikata bày tỏ quan ngại: “Nếu tình trạng này tiếp tục, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thì hiệu quả cổ phần hóa là không đạt được”.

“Ủy ban Chứng khoán có nhiệm vụ rất quan trọng. Khi có vấn đề đáng lo ngại ở các công ty đại chúng, cơ quan này có thể theo dõi hoạt động của họ. Nếu các công ty này thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ, Ủy ban Chứng khoán có thể phạt với chế tài đủ nặng. Nhưng quả thật, đây không phải là công việc dễ dàng trong một môi trường kinh doanh như hiện nay”, ông Norikata nói.

Giải thích về việc xử phạt, ông Nguyễn Sơn cho biết: “Chế tài phạt thuộc văn bản quy phạm pháp luật và cần tính hợp lý. Chế tài xử phạt trên thị trường chứng khoán cho phép phạt tối đa 500 triệu nhưng vi phạm công bố thông tin cũng không thể phạt quá lớn.”

Một ý kiến đề xuất cho việc nâng cao tính minh bạch của thị trường là các nhà đầu tư cũng vào cuộc giám sát doanh nghiệp. Khi nhận biết doanh nghiệp nào không cung cấp thông tin minh bạch, các nhà đầu tư có thể từ chối đầu tư vào doanh nghiệp đó. Trên quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng Ủy ban Chứng khoán nên phối hợp với Bộ Tài chính thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các nhà đầu tư để giám sát hoạt động này.

Mặc dù Ủy ban Chứng khoán là chủ thể giám sát thị trường còn SCIC là nhà đầu tư tham gia vào thị trường nhưng giữa họ lại có những lợi ích chung. Đó là, họ cùng tham gia vào việc tăng cường khả năng quản trị của doanh nghiệp. SCIC ở vào vị trí thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước trong nhiều doanh nghiệp.

Vì vậy, với tư cách là nhà đầu tư nắm cổ phần chi phối, SCIC hoàn toàn có thể dùng quyền sở hữu của mình để buộc doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin. “Tôi hy vọng với sự phối hợp của cả hai chủ thể này, họ có thể làm tốt vai trò nâng cao khả năng điều hành và tính minh bạch trong nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp” ông Norikata nói.

Vẫn biết khái niệm công bố thông tin và báo cáo tài chính có kiểm toán là khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp nên việc thực hiện một cách quy củ chưa thể đòi hỏi ngay. Tuy nhiên, một khi đã xác định đó là điểm yếu của không ít doanh nghiệp thì dứt khoát phải thay đổi.

Vì vậy, lời khẳng định của Ủy ban Chứng khoán: “Trước mắt, những công ty đại chúng sắp đưa vào sàn giao dịch Hà Nội phải áp dụng cơ chế công bố thông tin rõ ràng từ đầu và sẽ xử lý chặt chẽ nếu vi phạm” sẽ phần nào làm yên lòng giới đầu tư.