“Công chúa” Huawei xuất hiện trở lại, lạc quan về công ty trong lúc bị Mỹ trừng phạt
Đây là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei – kể từ khi bà được Canada trả tự do vào mùa thu năm ngoái...
Bà Mạnh Vãn Châu - nhà điều hành cấp cao của Huawei từng bị phía Canada bắt giữ và trở thành một tâm điểm trong xung đột Mỹ-Trung - đã xuất hiện trở lại trên “sân khấu” công việc vào ngày 28/3, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ tiếp tục gây áp lực lớn đối với hoạt động kinh doanh của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.
Theo trang CNN Business, đây là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của bà Mạnh – Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei – kể từ khi bà được Canada trả tự do vào mùa thu năm ngoái. Bà Mạnh dã có mặt tại buổi công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Huawei tại trụ sở công ty ở Thẩm Quyến và trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Trong năm ngoái, Huawei đạt doanh thu 636,8 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 99,9 tỷ USD, giảm gần 29% so với năm 2021.
“Chúng tôi đã cố gắng để vượt qua được năm 2021”, Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, phát biểu. “Nhưng cuộc chiến sinh tồn của chúng tôi chưa kết thúc”.
Tuy doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận của Huawei trong năm 2021 tăng 76% so với năm trước, đạt 113,7 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 17,8 tỷ USD. Đây là một sự cải thiện lớn so với năm 2020, khi lợi nhuận của công ty chỉ tăng 3%.
“Dù doanh thu giảm trong 2021, khả năng của chúng tôi trong việc tạo lợi nhuận và sản sinh dòng tiền đã tăng lên”, bà Mạnh nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi đã có khả năng tốt hơn trong việc ứng phó với bấp bênh”.
Vị CFO cũng đề cập thoáng qua đến câu chuyện cá nhân, nói rằng trong thời gian bà bị quản thúc ở Canada, thế giới đã “thay đổi quá nhiều”. “Trong 6 tháng qua, tôi đã phải học tập và cố gắng để đuổi kịp tình hình”, bà nói.
Bà Mạnh trở về Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái sau một cuộc chiến chống dẫn độ kéo dài với nhà chức trách Mỹ. Washington cáo buộc bà và Huawei có những hành vi gian lận và chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran, theo đó đòi dẫn độ bà tới Mỹ để xét xử.
Là con gái đầu của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, bà Mạnh bị bắt tại sân bay ở Canada vào tháng 12/2018 theo đề nghị của phía Mỹ. Bà đã bị Chính phủ Canada quản thúc tại gia trong khoảng 3 năm, và trong suốt quá trình đó bà chống lại các thủ tục dẫn độ của phía Mỹ.
Cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh là một vấn đề căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada, nhất là sau khi phía Trung Quốc bắt hai công dân Canada sau vụ bắt bà Mạnh.
Khi bà Mạnh được phóng thích vào tháng 9/2021 sau khi đạt một thoả thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, hai công dân Canada cũng được Bắc Kinh trả tự do và trở về nhà. Trong thoả thuận với Mỹ, bà Mạnh phủ nhận cáo buộc về gian lận tài chính và điện tín, nhưng thừa nhận đã báo cáo sai về mối quan hệ của Huawei với một chi nhánh ở Iran.
Trong những năm gần đây, Huawei – đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc – đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Sự trừng phạt này đã khiến Huawei bị cắt đứt nguồn cung các linh kiện và công nghệ chủ chốt để sản xuất các thiết bị công nghệ của hãng. Huawei bị Mỹ cáo buộc là một nguy cơ an ninh quốc gia, cho rằng công ty này có mối quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc và Bắc Kinh có thể thông qua thiết bị Huawei để thực hiện các chiến dịch nghe lén.
Huawei phủ nhận những cáo buộc này, đồng thời thẳng thắn khi nói về những thiệt hại mà lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra. Năm 2020, Huawei tuyên bố “sống sót” là mục tiêu quan trọng nhất, khi “sự gây hấn không ngừng từ Chính phủ Mỹ” đặt ra thách thức lớn cho hoạt động của công ty.
Từng dẫn đầu thế giới, mảng smartphone của Huawei bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, do công ty không mua được con chip chủ chốt để trang bị cho các sản phẩm ở mảng này. Trong bối cảnh như vậy, Huawei đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực khác, như thiết bị công nghệ đeo trên người, và cho biết việc cung cấp công nghệ 5G cho hoạt động công nghiệp đã trở thành một điểm sáng.