Cộng đồng doanh nghiệp Pháp ngữ kỳ vọng về cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam
Việt Nam và các nước thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tăng cường liên kết nội khối, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ khép kín ở các thị trường châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ tại TP.HCM. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Phái đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) tại Việt Nam.
“Cơ hội kinh doanh, đầu tư tại TP.HCM rất nhiều và có thể trở thành bệ phóng để cộng đồng doanh nghiệp của OIF tại khu vực Đông Nam Á tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực và thế giới.”
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tại diễn đàn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao sự xuất hiện của hơn 80 doanh nghiệp thuộc MECA đến TP.HCM và khẳng định đây là cơ hội tốt để các nền kinh tế, doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ tìm hiểu, kết nối và kiến tạo chuỗi cung ứng mới trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
“Cơ hội kinh doanh, đầu tư tại TP.HCM rất nhiều và có thể trở thành bệ phóng để cộng đồng doanh nghiệp của OIF tại khu vực Đông Nam Á tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực và thế giới”, ông Đức nói.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp OIF có điều kiện thuận lợi khai thác đa dạng Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)... Ngược lại, không gian kinh tế Pháp ngữ cũng là khu vực thị trường rộng lớn của Việt Nam.
Tại diễn đàn, bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho biết, hiện, Việt Nam đang thuộc nhóm thành viên nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai các chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế. Sự hiện diện của đại diện đến từ 25 nước thành viên OIF tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ lần này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng về cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
Bà Louise Mushikiwabo, khẳng định: “Việt Nam là một quốc gia năng động và sẵn sàng vượt biên giới để khai thác những cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong đó có các nước thành viên OIF. Điều này thể hiện tinh thần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, tạo ra nhiều hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh và đây cũng là mục tiêu của MECA tại Việt Nam lần này.”
Một trong những định hướng của OIF ở giai đoạn 2021-2025 là thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên và với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh. Cụ thể, MECA tại Việt Nam lần này tập trung vào ba lĩnh vực là nông nghiệp và công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo; kỹ thuật số.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, Việt Nam và các quốc gia thuộc OIF có những điều kiện bổ sung phù hợp lẫn nhau để cùng phát triển. Việt Nam có vai trò quan trọng và điều kiện thích hợp giúp thúc đẩy tăng cường liên kết nội khối cũng như hình thành chuỗi cung ứng sản xuất-tiêu thụ khép kín, trải dài từ châu Phi tới châu Âu, Bắc Mỹ.
Được biết về quan hệ thương mại, Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Trong giai đoạn năm 2017–2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF luôn có sự tăng trưởng ổn định và ghi nhận mức cao nhất là 26,7 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 19 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,7 tỷ USD.
Ngoài ra năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã giảm 9,5%, đạt mức 24,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2021vừa qua, tăng trưởng kim ngạch thương mại đã bắt đầu phục hồi trở lại.
Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm với các nước bạn bè châu Phi thuộc OIF. Các nước châu Phi nói tiếng Pháp là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia, tổng dân số hơn 570 triệu người và cũng là thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.