16:55 03/03/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Washington

Quang Thanh

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Thủ tướng dự kiến tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vào cuối tháng này và sẽ có các hoạt động song phương tại Mỹ...

Tổng thống Joe Biden dự cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 26/10/2021 - Ảnh: AFP.
Tổng thống Joe Biden dự cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 26/10/2021 - Ảnh: AFP.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thư mời Thủ tướng và lãnh đạo các nước ASEAN tham gia hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington Mỹ thời gian tới”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin tại họp báo thường kỳ chiều ngày 3/3.

Theo bà Hằng, các nước ASEAN nhất trí với đề xuất của Mỹ về việc  tổ chức hội nghị và các bên đang trao đổi vấn đề liên quan tới hội nghị, trong đó có nội dung về thời điểm tổ chức.

Hôm 28/2, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị cấp cao đặc biệt với lãnh đạo các nước ASEAN tại Washington vào ngày 28-29/3 tới. 

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, hội nghị này là cơ hội để thể hiện cam kết của Mỹ với ASEAN cũng như kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN. 

"Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden là trở thành một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN thống nhất để giải quyết những thách thức của thời đại", bà Psakia nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm Malaysia vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken khẳng định, ASEAN đóng vai trò thiết yếu đối với cấu trúc của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đó, vào đầu tháng 2, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, trong đó tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy một "khu vực tự do và rộng mở", cũng như củng cố vị thế lâu dài của Mỹ trong khu vực.

Chiến lược nêu rõ, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đạt được những bước tiến lịch sử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời điều chỉnh vai trò của mình cho phù hợp với thế kỷ 21.

Chiến lược này đề ra tầm nhìn của ông Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó. Trọng tâm chính của Chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.

Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Tự do và rộng mở; Kết nối; Thịnh vượng; An ninh và Có sức chống chịu.