08:00 08/03/2022

Công nghiệp đã “vào đà” chờ “bứt tốc”

Nguyễn Mạnh

Tiếp đà tăng từ đầu năm, bước sang tháng hai, sản xuất công nghiệp cho thấy sự khởi sắc rõ nét hơn, khi tốc độ tăng trưởng cao và nhanh hơn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được duy trì. Dẫu vậy, để có thể “bứt tốc” trong những tháng tới, ngành công nghiệp cần phải vượt qua không ít khó khăn, đó là diễn biến của dịch bệnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, nguy cơ thiếu hụt lao động...

Chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%, ngành khai khoáng giảm 4,1%.

CHẾ BIẾN CHẾ TẠO DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%). Đóng góp vào mức tăng trưởng chung, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Công nghiệp đã “vào đà” chờ “bứt tốc” - Ảnh 1

Như vậy, số liệu thống kê trên cho thấy, chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Phân tích về kết quả này, Tổng cục Thống kê nêu ra một số nguyên nhân. Trước hết, đó là việc Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã được thực hiện đồng bộ tại các địa phương trên cả nước, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Cụ thể, nếu trong tháng đầu tiên của năm 2022, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 2,8%, thì sang đến tháng 2/2022 đã tăng tới 10%.

Tiếp đến, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến ngành chế biến, chế tạo. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 53,79 tỷ USD của 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt tới 40,07 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 89,4%.

Một nguyên nhân nữa là việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao, cũng là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 346,8 triệu USD, chiếm 54,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Và trên hết, đó là nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp đã chủ động nhiều phương án ứng phó với dịch Covid-19 bằng cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của dịch trong từng giai đoạn cụ thể. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng một phần sản xuất, xuất khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm đơn hàng và người lao động có thêm việc làm.

Công nghiệp đã “vào đà” chờ “bứt tốc” - Ảnh 2

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Theo ngành hoạt động, trong khi số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,5% so với cùng thời điểm năm trước, thì các ngành khác như: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ tăng từ 0,1% - 0,7%.

Trong một báo cáo được công bố ngày 01/03/2022, IHS Markit (Tổ chức hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin, phân tích thông tin và các giải pháp quan trọng cho các ngành công nghiệp), cho biết khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phục hồi vào tháng 2, chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và sự tự tin của doanh nghiệp được duy trì.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 53,7 điểm vào tháng 1 lên 54,3 điểm vào tháng 2, báo hiệu một sự tăng trưởng đáng kể tháng thứ tư liên tiếp.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh, động lực tăng trưởng được cải thiện nhờ sự hỗ trợ bởi nhu cầu của khách hàng mạnh mẽ hơn. Đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ mở rộng nhanh chóng lên mức cao nhất trong mười tháng qua.

Việc cải thiện nhu cầu quốc tế trong tháng 2 cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn và các điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất tháng thứ 5 liên tiếp.

Tương tự, tốc độ mở rộng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4/2021. “Hy vọng, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục tăng lên, hỗ trợ tích cực cho sản xuất trong năm tới”.

MUỐN “BỨT TỐC” CẦN VƯỢT “RÀO CẢN”

Kết quả của tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ cột đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Dẫu vậy, con đường phía trước không chỉ có “hoa hồng” mà còn cả những “chông gai”, bởi theo nhận định của một số bộ, ngành cũng như các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục đứng trước nhiều rủi ro như: diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19; nguy cơ bất ổn tài chính - tiền tệ gia tăng; giảm tốc tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến các nước đối tác đang phát triển.

Đáng ngại hơn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ phải chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm,… khiến chi phí đầu vào tăng.

Điều này cũng đã được báo cáo của IHS Markit chỉ rõ, những vấn đề về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài do khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu nhân viên, cộng với những khó khăn của khâu vận chuyển quốc tế.

Các nhà sản xuất cho biết giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2, phản ánh chi phí nguyên vật liệu tăng khi các nhà cung cấp tăng giá. Giá dầu tăng mạnh là một trong các nguyên nhân. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng đã khiến giá bán hàng tiếp tục tăng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế.

Cùng với đó, tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.