Công nghiệp điện tử và "nỗi niềm" doanh nghiệp Việt
So với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ như đất đai, thuế...
So với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ như đất đai, thuế...
Đây chỉ là một trong nhiều "nỗi niềm" của doanh nghiệp Việt được bà Đỗ Thị Thuý Hương (Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam) phản ánh tại hội thảo liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28/11.
Theo bà Hương thì sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do đã thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ở cả lĩnh vực sản xuất sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử.
Ông Cao Bảo Anh (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) nhận định: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử. Đến nay, lĩnh vực này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel... kéo theo sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, ti vi...
Về mặt lượng, theo ông Cao Bảo Anh ngành công nghiệp điện tử đã có sự tăng trưởng, số lượng các doanh nghiệp cũng tăng nhanh trong giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, ngành này phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất Việt Nam hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí.
Cùng chung nhận định này, bà Hương cho biết thêm, trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành.
Trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên sau khi các công ty đa quốc gia có sản xuất lắp ráp điện tử dân dụng rời khỏi Việt Nam, các doanh nghiệp Việt lại chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối mà không tập trung đầu tư chiều sâu, công nghệ và tự động hoá dẫn đến mất dần năng lực cạnh tranh, bà Hương nhận định.
Lợi ích của doanh nghiệp nội khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, theo các ý kiến tại hội thảo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều thống nhất rằng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhất là nếu có đầu tư thì khó có hiệu quả cao nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đầu tư công nghệ.
Theo bà Hương, không chỉ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ về đất đai, thuế.... so với các doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp nội còn phải chịu sự bất bình đẳng trong nhập khẩu công nghệ.
Chẳng hạn, Việt Nam cho phép các tập đoàn điện tử như Samsung, LG. Intel đầu tư vào Việt Nam và việc các nhà cung cấp, các công ty vệ tinh của hãng cũng vào Việt Nam mang theo một lượng lớn thiết bị công nghệ cũ và đang hoạt động tại nước ngoài với khấu hao không đáng kể.
Nhưng, các doanh nghiệp trong nước lại không được khuyến khích nhập khẩu thiết bị công nghệ cũ, chi phí bỏ ra là quá lớn trong khi vốn, lãi vay, khả năng làm chủ thiết bị công nghệ hạn chế, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp FDI. Chỉ một số ít doanh nghiệp phụ trợ có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các hãng này, tuy nhiên tỷ trọng về khoa học công nghệ trong các sản phẩm này là không cao.
Hồi âm các ý kiến "đòi hỏi" nỗ lực cả từ phía các doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc quan hệ đối ngoại của Samsung Việt Nam cho biết đến năm 2020 Samsung Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp với 50 doanh nghiệp Việt, tăng 2,5 lần so với 2016.
Vị này cũng cho hay, từ 2018 sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan và một số tỉnh tích cực tìm kiếm, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc thuộc ngành hàng công nghệ cao.