15:20 14/06/2010

Công trình quan trọng Quốc gia: Quốc hội cần quyết những gì?

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 về dự án công trình quan trọng quốc gia

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị dừng hẳn việc lấy đất canh tác cho các dự án - Ảnh:TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị dừng hẳn việc lấy đất canh tác cho các dự án - Ảnh:TTXVN.
Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 của Quốc hội về các dự án công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đa số các ý kiến phát biểu đều chưa thể hiện sự nhất trí cao với nhiều nội dung sửa đổi do Chính phủ đề xuất từ phạm vi điều chỉnh đến những vấn đề cụ thể. Như quy mô tổng vốn đầu tư từ 20 nghìn tỷ đồng tăng lên 35 nghìn tỷ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư.

Đây cũng là một trong hai tiêu chí để xác định dự án đầu tư ra nước ngoài cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Phan Trung Lý đề nghị phải thêm một quy định nữa về nội dung của chủ trương đầu tư và thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đó.

Theo Đại biểu Cao Sĩ Kiêm thì Quốc hội cần quyết định ngay từ giai đoạn tiền khả thi đến giai đoạn quyết định đầu tư (có cả khả thi). Vì đây là những công trình lớn có liên quan đến số vốn lớn, đến rất nhiều vấn đề của đất nước, kể cả kinh tế, xã hội môi trường, ngân sách.

Theo đại biểu Trần Du Lịch thì nên chia làm 2 công đoạn. Thứ nhất là đồng ý chủ trương xây dựng dự án khả thi và Quốc hội ra đầu bài rõ ràng tiếp theo phải trả lời những gì để quyết định thật sự.

“Tôi nghĩ như vậy thì mới hết trách nhiệm và nhà đầu tư cũng có cơ hội để tiếp tục, không nói chung như thế này được”, đại biểu Lịch nói.

Liên quan đến các tiêu chí cụ thể cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh một số vị đại biểu đề nghị cứ dự án nào chi tổng đầu tư khoảng 2% GDP là phải trình Quốc hội thì nhiều ý kiến cho rằng lấy số tuyệt đối thì dễ thực hiện hơn cho các đơn vị đầu tư, dễ kiểm tra, kiểm soát hơn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và dễ giám sát hơn đối với Quốc hội. Tuy nhiên cần làm rõ cơ sở việc đề xuất tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng.

Với dự án đầu tư ra nước ngoài có ý kiến cho rằng chỉ quản phần vốn đi ra nước ngoài, không phải quản dự án ở nước ngoài to lớn cỡ nào, vì "tác động là ở nước ngoài không phải ở nước mình, vấn đề là mình quản phần vốn".

Liên quan đến tiêu chí về đất rừng, đại biểu Ngô Minh Hồng lo ngại vì trong Nghị quyết 66 thì chỉ cần lấy 1 mét đất ở vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thì cũng phải xin Quốc hội, còn ở đây lấy 200ha mới phải xin.

Đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị nếu dự án đầu tư mà xâm phạm đến khoảng 200ha đất lúa 2 vụ trở lên phải báo cáo với Quốc hội.

Vị đại biểu này cũng băn khoăn nếu nghị quyết này thông qua trong một kỳ họp thì e rằng chưa giải quyết được những vướng mắc mà nhiều đại biểu đã nêu lên. Vì nhiều điểm chưa thật rõ ràng và dễ sinh ra tùy ý trong thực hiện.

Trước ý kiến nhiều chiều của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư Võ Hồng Phúc đã giải trình thêm một số vấn đề.

Theo Bộ trưởng, với dự án đầu tư trong nước, hiện nay quy mô vốn đầu tư và quy mô nền kinh tế ngày một lớn nên các dự án đầu tư có 20 nghìn tỷ đồng rất nhiều. Hầu hết các nhà máy điện có mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD và hầu hết sẽ phải đưa ra trình Quốc hội quyết định. “Quốc hội chúng ta có đủ thời gian để 1 năm có thể xem xét được 3, 4 dự án đầu tư về điện hay không”.

Cân nhắc từ tình hình như thế nên mới lấy quy mô vốn là 35 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng nói. Lý do đưa ra con số tuyệt đối mà không thể căn cứ vào GDP, căn cứ vào ngân sách, theo ông là vì con số có tính pháp lý để xác định chính xác GDP và ngân sách thì phải chậm mất 2 năm.

Gói lại phiên thảo luận với 24 ý kiến phát biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ có một số nội dung gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó thiết kế dự thảo nghị quyết của Quốc hội sau khi đã sửa đổi bổ sung một số điều, tổng hợp giải trình rồi mới thông qua nghị quyết này.