Covid-19 “đánh bay” nỗ lực xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng
Nếu như tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,63% thì đến cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại 1,91%, trở lại mức tương đương năm 2017...
Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng.
Theo ông Hùng, hơn 4 năm trở lại đây, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.
Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng 424,1 nghìn tỷ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/8/2017 - 31/8/2021.
Kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên, vị Tổng Thư ký nhìn nhìn nhận, vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại.
“Nhờ một loạt các Thông tư 01, 03 và 14, các ngân hàng đã cơ cấu nợ trên 600.000 tỷ đồng. Nhưng đây mới là con số ước tính, ảnh hưởng của dịch bệnh rất khó lường. Đồng thời, nợ cơ cấu có nguy cơ rất lớn biến thành nợ xấu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, đại diện Vietcombank cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không những làm tăng nợ xấu, mà còn làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ. Bên cạnh đó, văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chưa hỗ trợ công tác xử lý, thu hồi nợ. Trong khi đó, thị trường hoạt động mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả.
“Khách hàng, chủ tài sản chây ỳ, bất hợp tác, không có ý thức phối hợp trả nợ xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời, việc xử lý nợ thông qua cơ quan pháp luật tại một số địa phương còn chậm”, đại diện Vietcombank cho biết.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kiêm đại diện BIDV cho rằng, dịch Covid-19 khiến các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ bị tạm dừng; các dịch vụ công hỗ trợ cho công tác xử lý nợ cũng tạm dừng và đặc biệt, công tác khởi kiện, thi hành án tạm dừng.
Trong khi đó, riêng về thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42, BIDV chưa ghi nhận vụ việc nào được tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và các tổ chức tín dụng khác cũng rất hiếm có báo cáo áp dụng thành công thủ tục này.
Đánh giá chung về tình hình nợ xấu, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho hay, thời gian qua, ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thế nhưng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn tăng. Trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng ngân hàng.
Theo đó, nếu như tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,63% thì đến cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại 1,91%, trở lại mức tương đương năm 2017. Điều này cho thấy, dịch bệnh đã “đánh bay” nỗ lực xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, xoá mờ cả thành tích của Nghị quyết 42.
Cũng theo ông Kiên, thời gian qua, để đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc đẩy hệ thống ngân hàng chuyển đổi số, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu, tăng cường hoạt động mua bán nợ…
Đặc biệt, ông Kiên cho hay, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.