06:00 29/07/2021

Covid -19 làm bùng nổ các tranh chấp hợp tác kinh doanh

Vũ Khuê

Các lĩnh vực chịu tác động nhiều là: du lịch lữ hành, những dịch vụ không phải là thiết yếu, các liên doanh trong công trình xây dựng, chuỗi phân phối hàng hoá không thiết yếu...

Nhiều hợp đồng thuê khách sạn xảy ra tranh chấp do vắng khách bởi Covid-19.
Nhiều hợp đồng thuê khách sạn xảy ra tranh chấp do vắng khách bởi Covid-19.

Tại toạ đàm “Hòa giải tranh chấp hợp tác kinh doanh trong bối cảnh đổ vỡ bởi Covid-19”, ông Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc Trung tâm hoà giải Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ tại Việt Nam và trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp nói riêng.

78% TRANH CHẤP LIÊN QUAN TỚI DÂN SỰ KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp khi tham gia ký kết, thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự sẽ có nguy cơ gặp phải những khó khăn, vướng mắc và từ đó có thể phát sinh các tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch hoặc tranh chấp với bên thứ ba.

Luật sư Nguyễn Trung Nam, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh Tú cùng nhận xét khi cho rằng, đại dịch tạo ra cú sốc với tất cả mọi người. Một loạt các rủi ro do Covid gây ra trong các ngành nghề dẫn tới nhiều vụ kiện cáo.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng là hoạt động có nhiều hợp tác kinh doanh nhất. Đơn giản nhất là hợp tác liên doanh giữa các nhà thầu với nhau.

Trong bối cảnh Covid, hoạt động của các nhà thầu bị ảnh hưởng rất lớn: nhà thầu chính, nhà thầu phụ, các nhà thầu thành viên trong liên doanh không thể hợp tác, hỗ trợ nhau. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, không được tiếp tục xây dựng để phòng chống dịch.

Không chỉ vậy, lao động trong hầu hết các ngành dịch vụ cơ bản như du lịch lữ hành đều bị giảm sút nghiêm trọng, mất việc làm, thậm chí kinh doanh khách sạn không còn ai làm việc.

 
Tình hình kinh doanh thương mại của hầu hết các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn và rất lớn bởi dịch bệnh, chỉ 11% cho rằng không ảnh hưởng lắm.

Hoạt động tín dụng cũng vậy. Đa số bên đi vay không có khả năng trả nợ, không có khả năng thanh toán đúng hạn, đành đảo nợ hoặc sử dụng nguồn vốn phụ với lãi suất cao để tiếp tục duy trì kinh doanh.

“Do đó, sự bùng nổ các tranh chấp là điều đương nhiên và tất yếu”, ông Nam nhận định. Đặc biệt, năm 2020, các vụ tranh chấp như thế này tại Việt Nam rất lớn. Số lượng các vụ mà toà án thụ lý năm 2020 rất cao, trong đó 78% liên quan tới dân sự kinh doanh thương mại và lao động.

Các lĩnh vực chịu tác động nhiều bởi Covid-19 tương ứng với số lượng các vụ kiện nhiều, như: du lịch lữ hành, những dịch vụ không phải là thiết yếu, các liên doanh trong công trình xây dựng, chuỗi phân phối hàng hoá (không phải là thiết yếu như thiết bị nghe nhìn, chuyển giao công nghệ).

Ông Nam chia sẻ, chưa bao giờ công ty ông nhận được yêu cầu nhiều như trong 2 năm qua liên quan tới việc diễn giải về điều khoản “bất khả kháng” “sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản”.

Các yêu cầu này đều liên quan tới các bên đối tác đang hợp tác với nhau nhưng không thực hiện được hợp đồng vì lý do Covid-19. Vì thế phải viện dẫn có phải lý do “bất khả kháng” hay “sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản”.

Đơn cử như doanh nghiệp Trung Quốc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác du lịch lữ hành. Do Covid, họ không đưa được khách sang cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng họ lại đưa rất nhiều tiền cho phía doanh nghiệp Việt Nam để duy trì phòng nghỉ. Chính sự hợp tác này trong dịch bệnh lại xảy ra tranh chấp giữa hai bên.

HÒA GIẢI LÀ GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Trong khi đó, theo ông Đạt, các bên đều chưa chuẩn bị trước cho những tác động từ dịch bệnh gây ra, đều cho rằng là tình huống bất khả kháng, làm tăng chi phí thực hiện hợp đồng hợp tác… nên xảy ra các vụ kiện để đẩy rủi ro sang cho đối tác.

 
"Để giải quyết tranh chấp trong bối cảnh Covid-19, phương thức hoà giải tranh chấp là phương thức tốt nhất. Phương thức này giữ được mối quan hệ giữa các doanh nhân, doanh nghiệp, không phải dùng tới nhiều luật".

Ông Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc Trung tâm hoà giải Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức được các khó khăn, rủi ro và có phương thức hạn chế, giải quyết tranh chấp hiệu quả là vô cùng cần thiết cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nam bổ sung, trước khi tranh chấp, các đối tác kinh doanh đã có sự tìm hiểu lẫn nhau, có sự đồng điệu nên mới hợp tác. Do đó, những tác động bên ngoài như Covid -19 không làm gãy vỡ một cách dễ dàng mối quan hệ của các bên. Covid chỉ làm cho sức chịu đựng về mặt kinh tế, sức chịu đựng do hậu quả Covid làm doanh nghiệp thiệt hại quá, họ không thể tiếp tục được hợp đồng nên “cực chẳng đã” đành vi phạm. Điều này khác với các loại hợp đồng khác như thấy có điều kiện vi phạm thì vi phạm, và vì vi phạm có lợi hơn.

“Covid-19 là yếu tố khách quan. Tính khách quan cộng với chủ quan là quan hệ hợp tác của các bên cho thấy cơ hội để hai bên hoà giải với nhau, sử dụng biện pháp hoà giải khi tranh chấp là phương thức tốt nhất”, ông Nam khẳng định.