09:13 19/01/2022

Covid khiến các nước nghèo “ngập” trong nợ

An Huy

Số nợ mà các nước nghèo nhất đến hạn phải trả trong năm 2022 tăng thêm 10,9 tỷ USD, do nhiều nước từ chối nỗ lực giải cứu quốc tế và thay vào đó dựa vào thị trường vốn để huy động ngân sách ứng phó với đại dịch Covid-19...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tờ Financial Times dẫn số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy một nhóm gồm 74 quốc gia thu nhập thấp sẽ phải thanh toán số nợ tổng cộng khoảng 35 tỷ USD cho chủ nợ song phương là quốc gia và chủ nợ khu vực tư nhân trong năm nay, tăng 45% so với năm 2020.

Một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất là Sri Lanka, nước bị tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global vào tuần trước hạ điểm tín nhiệm và cảnh báo có khả năng vỡ nợ trong năm nay. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại về Ghana, El Salvador và Tunisia, cùng nhiều quốc gia khác.

“Việc rút kiệt nguồn lực để trả nợ đồng nghĩa nguy cơ xảy ra những vụ vỡ nợ hỗn độn đang tăng tăng lên”, Chủ tịch WB David Malpass phát biểu. “Các quốc gia đang đối mặt việc trả nợ đúng vào thời điểm không có nguồn lực để làm việc đó”.

 

Trong hai năm đầu của đại dịch, việc các ngân hàng trung ương lớn mạnh tay hạ lãi suất giúp cho các chính phủ được vay tiền với chi phí tương đối rẻ. Nhưng năm nay, lãi suất đang có xu hướng tăng lên do các ngân hàng trung ương tiến tới thắt chặt, dẫn tới việc vay vốn để trang trải các khoản nợ cũng trở nên tốn kém hơn.

Nợ nần gia tăng phản ánh một thực tế rằng các nước đang phát triển phải vay nợ nhiều hơn để trang trải cho các chi phí kinh tế và y tế trong đại dịch Covid-19, cũng như trang trải các khoản nợ trước đó. Báo cáo mà WB công bố vào tuần trước nói rằng 60% các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới cần phải tái cơ cấu nợ hoặc có nguy cơ phải làm như vậy, và những cuộc khủng hoảng nợ quốc gia mới rất có thể sẽ xảy ra.

Theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), chính phủ và doanh nghiệp tại các nước thu nhập thấp và trung bình phát hành khoảng 300 tỷ USD trái phiếu mỗi năm trong 2020 và 2021, tăng khoảng 1/3 so với mức trước đại dịch.

Nguy cơ vỡ nợ của nhiều nước nghèo xuất hiện bất chấp một sáng kiến toàn cầu nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các quốc gia này trong đại dịch. Sáng kiến hoãn nghĩa vụ nợ (DSSI) do nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đưa ra vào tháng 4/2020 nhằm hoãn việc thanh toán số nợ 20 tỷ USD mà 73 nước nghèo vay của các chủ nợ song phương đáo hạn trong thời gian từ tháng 5-12/2020. Sáng kiến này sau đó được gia hạn đến tháng 5/2021, nhưng chỉ có 42 quốc gia tham gia, với tổng số nợ được hoãn là 12,7 tỷ USD.

Trong khi đó, chi phí của việc vay nợ ngày càng gia tăng. Trong hai năm đầu của đại dịch, việc các ngân hàng trung ương lớn mạnh tay hạ lãi suất giúp cho các chính phủ được vay tiền với chi phí tương đối rẻ. Nhưng năm nay, lãi suất đang có xu hướng tăng lên do các ngân hàng trung ương tiến tới thắt chặt, dẫn tới việc vay vốn để trang trải các khoản nợ cũng trở nên tốn kém hơn.

Nhiều quốc gia đang phát triển như Brazil và Nga đã mạnh tay nâng lãi suất trong những tháng gần dây để chống lạm phát. Nhưng tại nhiều nước khác, lãi suất vẫn đang thấp hơn tốc độ tăng của giá cả, dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn nước ngoài khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu của các nước đó.

Các nhà quản lý quỹ, chuyên gia kinh tế và nhà vận động về nợ đều kêu gọi có thêm biện pháp để giải toả gánh nặng nợ nần cho các nước nghèo.

“Các nước đang phát triển đang có nguy cơ rơi vào một thập kỷ mất mát nữa”, Tổng thư ký Rebeca Grynspan của Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAC) phát biểu.

“Một cuộc khủng hoảng nợ nữa, nếu xảy ra, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia có mức nợ cao”, chiến lược gia Gregory Smith của M&G Investments nhận định.

Sau khi sáng kiến DSSI hết hạn, các nước G20 sẽ có một sáng kiến mới để giúp các nước nghèo giải toả gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc tham gia các sáng kiến này đồng nghĩa các nước nghèo phải từ bỏ quyền tiếp cận thị trường vốn. Đến nay, mới chỉ có Chad, Ethiopia và Zambia đàm phán để tham gia, nhưng chưa đạt bước tiến nào.

“Việc tham gia sáng kiến đồng nghĩa một quốc gia phải tuyên bố công khai rằng họ gặp khó khăn trong việc trả nợ. Khu vực tư nhân sẽ trừng phạt họ. Nếu một quốc gia có bất kỳ một lựa chọn nào khác, họ sẽ không làm như vậy”, bà Grynspan nói.