CPTPP có thể kết nạp thêm Thái Lan, Hàn Quốc và Anh
CPTPP dự kiến thảo luận về việc gia nhập của 3 thành viên mới vào tháng 1 tới
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), còn gọi là TPP 11, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay và 11 nước thành viên dự kiến sẽ có một cuộc họp vào đầu năm sau để thảo luận về việc mời thêm Thái Lan và một số nước khác gia nhập, tờ Nikkei cho biết.
Cụ thể, đại diện của các nước thành viên CPTPP sẽ họp tại Tokyo (Nhật) vào tháng 1/2019 để quyết định việc kết nạp thêm thành viên mới với mục tiêu mở rộng hiệp định thương mại này trong năm tới. Thái Lan, Anh và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập hiệp định này.
Khi Mỹ rút khỏi hiệp định này vào đầu năm 2017 và khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các thành viên còn lại của TPP kỳ vọng chống lại sự bùng lên của chủ nghĩa bảo hộ thương mại bằng việc mời thêm nhiều quốc gia cũng có quan ngại về xu hướng này. Với Nhật Bản, hiệp định có thể trở thành một đòn bẩy trong bối cảnh nước này bắt đầu đàm phán thương mại song phương với Washington.
Trong số các quốc gia muốn gia nhập CPTPP trong năm 2019, Thái Lan đang cạnh tranh mạnh mẽ với 2 thành viên hiện tại của hiệp định là Malaysia và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, nông sản và hải sản.
"Trong bối cảnh bất ổn trên toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, việc gia nhập hiệp định (CPTPP) có ý nghĩa rất lớn", một tờ báo Thái Lan dẫn lời Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak của nước này cho biết.
Trong khi đó, Anh dự kiến chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit vào tháng 3/2019 và đang trong tiến trình đàm phán một thoả thuận hậu Brexit.
Còn Hàn Quốc cũng đang quan tâm tới việc trở thành thành viên của CPTPP. "Bằng việc gia nhập các hiệp định đa phương, chúng tôi muốn chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại", Bộ trưởng tài chính kiêm Phó thủ tướng Kim Dong-yeon của Hàn Quốc phát biểu vào tuần trước.
CPTPP sẽ thống nhất quy tắc thương mại tại các nền kinh tế với tổng 500 triệu dân và GDP 11.380 tỷ USD - tương đương 13% GDP toàn cầu. Một số lợi ích tức thời từ hiệp định này có thể kể đến như loại bỏ thuế quan đối với nhiều loại cá hay bỏ thuế rượu vang trong năm thứ 8.
Nhật Bản kỳ vọng CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm gần 8.000 tỷ Yên (70 tỷ USD) và tạo 46.000 việc làm. Theo hiệp định, thuế xuất khẩu ôtô từ Nhật sang Canada sẽ giảm từ 6,1% xuống 0% trong vòng 5 năm.
Tokyo cũng muốn CPTPP nhanh chóng có hiệu lực trước khi nước này có đàm phán thương mại song phương với Mỹ vào tháng 1 năm sau. Nhà Trắng được dự báo sẽ tạo áp lực lên Nhật Bản để giảm mạnh thuế quan đối với nông sản Mỹ, còn Nhật có ý định viện vào các điều khoản của CPTPP.