11:37 02/06/2021

CPTPP nhất trí để Anh khởi động quy trình gia nhập hiệp định

An Huy

Các nước thành viên CPTPP ngày 2/6 đã nhất trí cho phép Anh khởi động quy trình gia nhập hiệp định...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 2/6 đã nhất trí cho phép Anh khởi động quy trình gia nhập hiệp định – hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishumura cho hay.

Ông Nishimura nói động thái này sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa Anh và Nhật Bản, đồng thời tiến tới đưa khu vực mà CPTPP bao trùm đạt quy mô tương đương nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu được vị quan chức Nhật Bản đưa ra sau khi chủ trì một cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của 11 nước thành viên CPTPP.

Nhật Bản luôn ủng hộ nỗ lực của Anh nhằm ký kết các thoả thuận thương mại toàn cầu sau khi London chính thức rời khỏi EU. Năm ngoái, Nhật và Anh đã đạt một thoả thuận thương mại song phương.

Anh chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP hồi tháng 2 năm nay. Việc trở thành một thành viên của hiệp định sẽ giúp Anh thúc đẩy tăng trưởng thương mại với các nền kinh tế tăng trưởng năng động ở khu vực châu Á – theo nhận định của nhà phân tích Mike Dennis thuộc Bloomberg Intelligence.

Ngoài Anh, một số nền kinh tế khác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan cũng đã bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP.

Theo dự kiến, trong vài tháng tới đây, các nước CPTPP và Anh sẽ thành lập các nhóm công tác để thảo luận về thuế quan, cũng như các quy định về thương mại và đầu tư.

Ông Nishimura nói rằng ông sẽ cố gắng “để đạt được kết quả tốt nhất có thể cho Nhật Bản” trong cuộc đàm phán gia nhập CPTPP của Anh.

CPTPP có hiệu lực từ năm 2018, bao trùm khoảng 13% GDP toàn cầu. Trong số 11 nước thành viên CPTPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đến nay đã có 7 nước phê chuẩn hiệp định. Mỹ là một trong những thành viên đầu tiên của hiệp định, nhưng đã rút lui dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mục đích của CPTPP là cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các hạn chế đầu tư và tăng cưởng bảo về tài sản trí tuệ, theo đó đẩy mạnh hội nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên.