15:57 26/05/2008

“Cứ giữ giá xăng dầu là không có lợi”

Thu Minh

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về định hướng thực hiện giá bán xăng dầu thời gian tới

"Về lâu dài mà nói là đi theo định hướng của kinh tế thị trường; theo đó giá dứt khoát là phải đi theo thị trường".
"Về lâu dài mà nói là đi theo định hướng của kinh tế thị trường; theo đó giá dứt khoát là phải đi theo thị trường".
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về định hướng thực hiện giá bán xăng dầu thời gian tới.

Giá dầu thế giới tăng vọt trên 130 USD/thùng. Việc “kìm” giá bán ra trong nước đang đứng trước những sức ép về bù lỗ, tính thị trường và yêu cầu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi nhanh với báo giới những thông tin liên quan, đặc biệt là về khả năng tăng giá xăng dầu thời gian tới.

Thưa Bộ trưởng, giá dầu thế giới tăng cao như vậy, liệu Chính phủ đã tính đến những biện pháp để ứng phó?

Hiện chúng ta vẫn đang theo dõi tiếp tình hình để có phương án. Trước mắt từ nay đến tháng 6 chưa có điều chỉnh giá bán trong nước. Đương nhiên là Chính phủ có phương án nhưng không thể nói ngay ra được. Nói ngay bây giờ nó bất lợi. Nó còn tuỳ thuộc vào diễn biến cụ thể.

Vậy khả năng chịu đựng của giá trong nước như thế nào khi mà áp lực liên tục gia tăng từ giá dầu thế giới?

Mục tiêu của chúng ta hiện nay là chống lạm phát và kiềm chế tốc độ tăng giá. Như thế thì chúng ta phải xem xét để gánh một cái mức như vậy, còn về lâu dài mà nói thì không thể mãi như thế được.

Sau tháng 6 trở đi, tức là sau thời điểm mình cam kết, thì sẽ tính toán những phương án cụ thể, tuỳ thuộc vào tình hình giá cả, chiều hướng nó diễn biến như thế nào. Việc này phải bàn rất kỹ, chưa nói ngay được.

Bộ trưởng có thể cho biết với giá dầu hiện nay thì ngân sách dự kiến sẽ phải bù lỗ bao nhiều trong 6 tháng đầu năm?

Thì trong 4 tháng đầu năm, tôi nhớ không chính xác, khoảng độ 4.500 tỷ đồng. Còn 2 tháng sau thì đang tính toán tiếp.

Liên quan đến việc bù lỗ, khi giá dầu trên thế giới tăng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng hưởng lợi. Đó cũng là nguồn thu để cân đối?

Đương nhiên là phải tính toán. Thu vào, chi ra cũng phải tính toán cân đối. Hiện nay mình cũng có lợi thế là giá xăng dầu lên thì mình xuất khẩu có lợi. Mình có lợi thế là dầu thô xuất khẩu hiện nay khá lớn, khoảng độ 5 triệu tấn. Cho nên đó cũng là một nguồn để hỗ trợ cho giá xăng dầu bán lẻ.

Có ý kiến cho rằng việc bù lỗ như thế là vô lý. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

Thì đúng rồi. Khẳng định một điều là mình cứ giữ giá như thế này là không có lợi.

Thứ nhất là phản ánh hoạch toán của nền kinh tế nó không chuẩn. Thế thì các ngành sử dụng đầu vào không phải riêng xăng dầu, đối với các mặt hàng khác cũng vậy thôi.

Thứ hai là bao cấp nó tràn lan, thậm chí nó còn tạo ra cả nạn buôn lậu, xuất lậu khó kiểm soát nổi. Kiểm soát buôn lậu là rất khó. 

Về lâu dài mà nói là đi theo định hướng của kinh tế thị trường; theo đó giá dứt khoát là phải đi theo thị trường, đó là điều khẳng định được. Chúng ta đã lựa chọn từ nhiều năm nay thì phải kiên trì hướng đó để điều hành nền kinh tế, nếu không thì nó méo mó hết.

Đặt giả thiết tăng giá xăng dầu thời gian tới, Chính phủ đã tính đến việc kiềm chế giả cả nói chung chưa?

Giá xăng dầu đầu vào tăng thì dứt khoát sẽ tác động đến các ngành khác. Đó là điều khẳng định. Vấn đề là tăng như thế nào cho nó hợp lý, kiểm soát được tình hình gọi là “tát nước theo mưa” thì phải áp dụng rất nhiều giải pháp đồng bộ khác nữa, chứ không phải chỉ có một giải pháp nào đó.

Tôi ví dụ, kiểm soát phải có tính đồng bộ, kiểm tra các cơ sở sản xuất, các đầu mối nhập khẩu thì Trung ương cũng phải kiểm soát, các bộ, ngành ở địa phương cũng phải kiểm soát.

Ngoài xăng dầu, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng khác như điện, than… trong năm 2008 như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chính phủ còn phải cân nhắc việc này rất kỹ càng; khi nào công bố việc này là còn phải bàn rất kỹ. Đương nhiên các cơ quan chức năng và cơ quan tham mưu Chính phủ đều phải có phương án hết, đều phải có kịch bản; nếu nó xảy ra thế này thì xử lý như thế nào và nó xảy ra thế kia thì có phương án ra làm sao.