16:25 28/10/2024

Cử tri nêu các vướng mắc về thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Đỗ Mến

Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai về vấn đề triển khai Luật Phá sản 2014...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cử tri cho rằng, theo quy định tại khoản 3, Điều 131 Luật Phá sản năm 2014 về điều khoản chuyển tiếp, đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được thụ lý trước ngày luật này có hiệu lực mà chưa ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì áp dụng quy định của luật này để giải quyết.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 có một số điểm cơ bản khác với Luật Phá sản năm 2004 như quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay thế cho tổ quản lý, thanh lý tài sản; nội dung, trình tự và nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trước thanh lý tài sản còn lại. Trong khi Luật Phá sản năm 2004 lại quy định thủ tục thanh lý tài sản trước khi tuyên bố phá sản…

Vì vậy, cử tri cho rằng việc tiếp tục tiến hành thủ tục phá sản đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được thụ lý trước ngày Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực mà đã ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Ngoài ra, theo Điều 106 Luật Phá sản năm 2014 về Quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã trong các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 80 của Luật này.

Tuy nhiên, đối với các vụ việc trên, thời gian tiến hành Hội nghị chủ nợ đã lâu, từ trước khi ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. Như vậy, có căn cứ vào kết quả họp Hội nghị chủ nợ trước đây để ra quyết định phá sản được không hay phải tiến hành lại Hội nghị chủ nợ?

Theo cử tri, tòa án tỉnh đã có văn bản Tòa án nhân dân tối cao sớm sửa đổi và hoàn thiện quy định của Luật Phá sản để đồng bộ và phù hợp với pháp luật có liên quan và luật tố tụng.

Theo đó, cần quy định rõ, thẩm quyền của Thẩm phán về ban hành các quyết định trong quá trình giải quyết khiếu nại; áp dụng biện pháp chế tài khi thực hiện thủ tục phá sản… Ngoài ra, cần quy định rõ chức năng của Viện kiểm sát; vai trò, quyền hạn của Kiểm sát viên khi tham gia thủ tục giải quyết phá sản.

Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ giữa Luật Phá sản năm 2014 và Luật Thi hành án dân sự năm 2014 về quyền yêu cầu định giá lại của chủ nợ. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án thì cần sửa đổi, bổ sung quyền được yêu cầu định giá lại tài sản của chủ nợ.

Cử tri tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, cần bổ sung thêm các quy định chi phí cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản và Quản tài viên. Cần quy định đồng bộ vai trò trách nhiệm, quyền hạn của Chấp hành viên làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự, trong đó kiến nghị sửa Luật Thi hành án Dân sự cho phù hợp với Luật Phá sản.

Trước kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 để kịp thời kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình thi hành.

 

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Phá sản năm 2014 trong đó tập trung vào nhóm vấn đề bao gồm:

- Nghiên cứu, quy định thủ tục phục hồi giản lược và thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện luật định; quy định đơn giản về thủ tục, điều kiện, rút ngắn về thời gian, giảm chi phí so với thủ tục chung.

- Nghiên cứu, quy định về thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.

- Hoàn thiện quy định về vai trò, nhiệm vụ của quản tài viên. Đồng thời hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản.

- Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về xử lý tài sản bảo đảm; định giá tài sản, bán đấu giá tài sản; thời hạn tổ chức định giá tài sản…

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia giải quyết vụ việc phá sản và chuẩn bị các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu giải quyết phục hồi, phá sản doanh nghiệp…