08:33 13/05/2022

Cử tri TP.HCM: Khổ sở vì hạ tầng giao thông tắc nghẽn

Mộc Minh

Cử tri TP.HCM đã gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về loạt vấn đề cần giải quyết cấp bách của thành phố, như: hạ tầng giao thông đang quá tải, ngập nước, kẹt xe, dự án treo lâu năm… khiến cuộc sống người dân TP.HCM khổ sở…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 3 có các buổi tiếp xúc cử tri tại các quận 5, quận 8, quận 11, TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

XOÁ DỰ ÁN "TREO"

Thông tin về tình hình các dự án "treo" tại TP.HCM và địa bàn quận 8, cử tri Trương Hồng Sơn (quận 8) cho biết, các dự án "treo" vẫn còn nhiều, trong đó, có công trình về giao thông, trường học rất cần thiết cho nhu cầu của người dân. Đề nghị đại biểu quốc hội kiến nghị sửa đổi luật để có chế tài xử lý mạnh tay đối với các dự án "treo". Bên cạnh đó, cần xử lý rốt ráo tình trạng lấn chiếm đất công diễn ra tại một số địa bàn.

Còn tại huyện Củ Chi, tại xã An Nhơn Tây có quy hoạch Khu công nghiệp Bàu Đưng từ năm 2006, nhưng đến nay chưa thực hiện. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Cử tri Trần Thanh Hồng (huyện Củ Chi) kiến nghị đại biểu quốc hội TP.HCM có ý kiến với Chính phủ nếu thực hiện thì sớm triển khai, còn không thì xóa dự án để đảm bảo quyền sử dụng đất cho người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: ĐN.  
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: ĐN.  

Tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cũng đang có quy hoạch Khu nông nghiệp và du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên đến nay dự án chưa được phê duyệt. Cử tri Lê Văn Khía (huyện Củ Chi) đề nghị TP.HCM cần chỉ đạo xem xét kêu gọi các nhà đầu tư vào dự án.

TP.HCM ĐANG CẦN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Một trong những vấn đề “nóng” hiện nay của TP.HCM là phát triển cơ sở hạ tầng đều được các cử tri tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và TP. Thủ Đức đề cập.

Cụ thể, cử tri Trần Quang Khải (TP. Thủ Đức) cho rằng, TP. Thủ Đức thành lập trên cơ sở 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) và là “thành phố trực thuộc thành phố” đầu tiên của cả nước, là động lực tăng trưởng mới, góp phần tạo ra giá trị kinh tế cao. Thế nhưng sau hơn 1 năm thành lập chưa có nhiều khâu đột phá, mục tiêu đạt được chưa như kỳ vọng. Tồn tại lớn nhất kìm hãm sự phát triển là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Việc chậm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Do đó, đại biểu quốc hội TP.HCM cần kiến nghị Chính phủ giải quyết ùn tắc giao thông cho TP. Thủ Đức, mở ra các hướng kết nối giao thông với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, cũng như giải quyết sớm quy hoạch “treo” để người dân ổn định cuộc sống…

Ngoài ra, việc nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 2 trên địa bàn huyện Củ Chi cũng được quan tâm. Theo cử tri Trần Văn Tiếp (huyện Củ Chi), tỉnh lộ 15 đi qua xã Phú Mỹ Hưng và một số xã khác của huyện Củ Chi đã xuống cấp trầm trọng, đường nhỏ trong khi lưu lượng xe đông đã ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Cần sớm nâng cấp tuyến đường này.

Tại huyện Hóc Môn, cử tri Trần Thị Long cho biết, đường Đỗ Văn Dậy từ thị trấn Hóc Môn đến cầu Xáng có mặt đường qua khu vực Hóc Môn chỉ có 6m, trong khi lưu lượng xe nhiều. Hiện trên con đường này đang thi công cống thoát nước nên mặt đường xấu, bị ngập khi trời mưa gây khó khăn cho sinh hoạt người dân. Bên cạnh đó, lưu lượng xe đông nên thường xuyên xảy ra va quẹt. Đề nghị đại biểu quốc hội TP.HCM kiến nghị mở rộng tuyến đường Đỗ Văn Dậy cùng với tuyến đường Dương Công Khi và đẩy nhanh việc thi công cống thoát nước.

Cử tri Trương Ngọc Lượng (quận 5) cũng cho rằng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn hạ tầng giao thông ở TP.HCM bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. Cần sớm nghiên cứu đề án giảm dần các phương tiện cá nhân không đảm bảo kỹ thuật khi tham gia giao thông, cải thiện tình trạng kẹt xe kéo dài.

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc giữa các đại biểu quốc hội với cử tri quận 5, quận 8 và quận 11 - Ảnh: ĐN.
Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc giữa các đại biểu quốc hội với cử tri quận 5, quận 8 và quận 11 - Ảnh: ĐN.

Trả lời về các dự án hạ tầng giao thông, kẹt xe, ngập nước…, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên tháo gỡ khó khăn cho từng dự án một, nỗ lực hoàn thành các dự án một cách nhanh nhất, sớm đưa vào phục vụ người dân.

Đối với Khu công nghiệp Bàu Đưng, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, thành phố đã đề nghị Thủ tướng đưa ra khỏi quy hoạch. UBND TP.HCM sẽ yêu cầu cơ quan chức năng sớm rà soát và báo cáo chính thức để người dân biết.

Ông Mãi cũng cho biết thêm, thời gian tới thành phố sẽ tập trung kiểm soát dịch bệnh, triển khai biện pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tập trung tháo gỡ vướng mắc giữa các sở, ngành và quận huyện với nhau, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ảnh đến người dân và doanh nghiệp; tác động đến dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, các vấn đề liên quan đến pháp lý để ổn định đời sống người dân.

Tiếp nhận ý kiến của các cử tri tại các quận, huyện TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cử tri đã nêu các vấn đề nổi cộm hiện nay, liên quan đến giáo dục, y tế, đất công, quyền sử dụng đất, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng tiêu cực, chuyển đổi số, xây dựng pháp luật... Các đại biểu quốc hội sẽ ghi nhận, tổng hợp trình lên Quốc hội, Chính phủ để giải quyết cho người dân.

Các vấn đề đường thủy, đường bộ, đường cao tốc kết nối với những địa phương khác… là những vấn đề cần tháo gỡ cho sự phát triển của TP.HCM. Một trong nhiệm vụ khác là rà soát, hoàn thiện toàn bộ quy hoạch đô thị của thành phố phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại như đã đề ra. Giải quyết rốt ráo những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri trong các vụ việc gây bức xúc xã hội.

 

Kiến nghị cơ chế đặc thù để TP. Thủ Đức phát triển xứng tầm

Cử tri Lương Minh Thiện (TP. Thủ Đức) cho rằng, việc thành lập TP. Thủ Đức với mục tiêu đóng góp 1/3 GDP của TP.HCM và 7% GDP của cả nước... nhưng cơ chế vẫn như cấp quận, huyện, trong khi đây lại là “thành phố trong thành phố”. Do đó, đại biểu Quốc hội cần đề xuất Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức để địa phương phát triển xứng tầm và như kỳ vọng của người dân.

Đối với kiến nghị đề xuất cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, liệu có phù hợp không, khi nếu không có cơ chế đặc thù thì làm sao một thành phố có dân số 1,2 triệu dân, tương đương với dân số TP. Đà Nẵng có thể hoạt động được? Với vướng mắc này, Chủ tịch TP. Thủ Đức, Chủ tịch TP.HCM cũng đang tổng hợp, đề xuất kiến nghị để Quốc hội xem xét giải quyết và điều này là hoàn toàn hợp lý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan của TP.HCM rà soát, giám sát tại các khu dân cư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…