14:06 11/07/2017

Cục trưởng Cục Đấu thầu nói về “quy trình dự án PPP mất 700 ngày”

Bạch Dương

100.000 tỷ đồng vào đường sắt nhưng để thực hiện được thì rất phức tạp, có đấu thầu hay lại chỉ định thầu

Các dự án PPP đang nở rộ, đòi hỏi một hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân. <br>
Các dự án PPP đang nở rộ, đòi hỏi một hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân. <br>
100.000 tỷ đồng vào đường sắt nhưng để thực hiện được thì rất phức tạp, có đấu thầu hay lại chỉ định thầu.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đăng Trương tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015 và Nghị định 30/2015 của Chính phủ diễn ra mới đây. Việc sửa đổi hai Nghị định nhằm xoá bỏ rào cản, thủ tục, quy trình, thanh toán, khơi thông nguồn vốn vào khu vực dịch vụ công.

Mô hình hợp tác công tư (PPP) là việc nhà nước và tư nhân cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai. Việc thực hiện mô hình PPP đang còn khá mới mẻ nhưng đã thu hút được lượng vốn lớn từ khu vực tư nhân vào hạ tầng đô thị.

Tiếng là dự án PPP nhưng thủ tục như đầu tư công

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Nguyễn Đăng Trương cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư qua nhiều hình thức như BOT, BT…tuy nhiên vốn FDI vào hạ tầng, năng lượng vẫn rất hạn chế.

“BOT điện, hạ tầng còn vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài. Các địa phương tập trung làm dự án BT chủ yếu là đổi đất lấy công trình, gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư, thanh toán quỹ đất, thời điểm giao đất… Vừa qua Hà Nội tổ chức hội nghị đầu tư, trong đó có doanh nghiệp làm dự án đường sắt lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui nhưng để làm được vô cùng khó khăn, có đấu thầu hay lại chỉ định thầu. Mọi việc phải chặt chẽ để tránh thất thoát tài sản của nhà nước nhưng lại phải đủ thông thoáng, hay nói như Thủ tướng là phải biết gạt đi những thứ quá an toàn, cầu toàn quá mức, tức là có cơ chế đột phá cho nhà đầu tư”, ông Trương nói.

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến triển khai PPP bị hạn chế đó là cách nhìn mang nặng tính đầu tư công trong việc quản lý việc đầu tư. “Nói về chủ trương, theo Luật Đầu tư, phải làm rõ tiền ở đâu ra, cân đối nguồn tiền như thế nào… ngay trong chủ trương đầu tư. Nhưng ở dự án PPP thì phải khác bởi PPP là mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án chứ không phải là cho hay không cho nên cần có một cơ chế khác”, ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.

Cũng chính từ việc nhìn nhận dự án PPP từ góc độ đầu tư công nên dẫn tới thực tế là các thủ tục đầu tư rườm rà và đặc biệt là tâm lý e ngại trong việc thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ đối với hình thức đầu tư còn tương đối mới mẻ này ở Việt Nam. Lấy dẫn chứng về câu chuyện đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh, thành đang được thảo luận gần đây, ông Trương cho biết dự án đang có vướng mắc bởi chủ trương phải làm theo Luật Đầu tư công, nhưng lại quá phức tạp; trong khi tuyến đó lại được kết luận làm theo PPP.

Ông Trương kể, các bộ ngành thường chê trách, lên án các Nghị định về PPP làm cản trở đầu tư, thậm chí Hà Nội hay Tp. HCM còn có hẳn văn bản nói rằng để làm một dự án PPP từ khi đề xuất đến khi được thực hiện dự án phải mất tới 700 ngày. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình với Thủ tướng và các bên liên quan khẳng định việc này không đúng, song họ vẫn chưa thấy thuyết phục.

Vị này khẳng định việc sửa đổi hai Nghị định về PPP này cấp thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đang dự kiến nâng cấp lên thành luật, trình Quốc hội Luật về PPP tháng 10 năm nay.

Đại diện của tổ chức JICA cho hay, hiện nay PPP sử dụng 1 đồng vốn nhà nước cũng là đầu tư công, vì vậy vẫn sử dụng quy trình đầu tư công. Nhưng nếu là dự án PPP 100 đồng, nhà nước chỉ góp 20 đồng thôi thì chỉ nên áp dụng luật đầu tư công với phần vốn nhà nước, còn lại phải có cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư.

Nhiều thay đổi


Ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng PPP, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định số 15 có nhiều điểm mới như việc cho phép đấu thầu nhà đầu tư ngay sau khi Nhà nước phê duyệt báo cáo tiền khả thi đối với dự án có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ thuộc danh mục kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp có tính đặc thù. Bằng cách này có thể lựa chọn ra các nhà đầu tư có năng lực hơn phương pháp chỉ định thầu.

Đồng thời, cho phép nguồn vốn nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ công, vốn hỗ trợ công trình phụ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định 15 sẽ siết chặt hơn ở việc đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước bằng việc bổ sung quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Với các dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội là tổ chức phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án nhóm A là Chính phủ, dự án nhóm B, nhóm C là các bộ ngành, UBND cấp tỉnh.

Đặc biệt, Dự thảo mới đã bãi bỏ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án PPP thay vào đó là hợp đồng hợp tác giữa hai bên. Trường hợp cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Dũng nhấn mạnh, để tháo gỡ về cơ chế thanh toán, Dự thảo mới bổ sung thêm hẳn 1 chương quy định riêng đối với dự án BT, mở rộng phương thức thanh toán dự án khác bằng quyền kinh doanh dịch vụ phát sinh từ công trình BT.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 30 cũng có nhiều điểm mới như bỏ mốc thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Dự thảo đã điều chỉnh chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện. Nhà nước sẽ đăng tải danh mục dự án và sơ tuyển các nhà đầu tư. Trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư quan tâm tới 1 dự án sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi.

Tiêu chí xét khi đấu thầu với dự án xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng, vui chơi, giải trí là ở giá trị nộp ngân sách nhà nước lớn nhất. Dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, môi trường là ở tiêu chí hiệu quả đầu tư lớn nhất.

“Trước đây các cơ quan thi nhau chỉ trích vì quy định mốc thời gian chọn nhà đầu tư 30 ngày nhưng bản chất là thích xin cho, thích chỉ định thầu. Hậu quả của chỉ định thầu tràn lan hiện ra trước mắt rồi, kết cục rất cay đắng”, Cục trưởng Trương nói.