Cúm mùa gia tăng, cảnh giác những biến chứng nguy hiểm
Vào mùa xuân thời tiết có nhiều thay đổi, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển, đặc biệt là bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Cúm mùa phổ biến ở nhiều quốc gia Sau khi bị nhiễm virut cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho... Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân. Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng từ đầu năm 2016 và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng vi rút cúm.
Biến chứng nguy hiểm của cúm mùa Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Vì thế, nếu có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc. Kết quả xét nghiệm hai trường hợp viêm phổi nặng do vi-rút điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) dương tính với vi-rút cúm A (H1N1) và cúm B, là các chủng cúm mùa thông thường. PGS.TS Ðào Xuân Cơ (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) cho biết, cả hai người bệnh đều là nam giới. Người thứ nhất (64 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Kết quả chẩn đoán hình ảnh, người bệnh được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất, song tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt. Trường hợp thứ hai (48 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) cũng xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Ðáng lưu ý, trước đó gia đình anh cũng có vài người mắc cúm. Cho rằng mình chỉ mắc cúm thông thường, đến bốn ngày sau anh mới nhập viện điều trị. Lúc này anh đã có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Bệnh viện đã phải triển khai hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục, thở máy để duy trì sự sống và cứu chữa cho người bệnh.
Chủ động phòng chống cúm mùa Phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất hiện nay là tiêm phòng vắc-xin cúm. Những người có bệnh lý nền, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch vắc-xin phòng các chủng cúm mùa. Ðây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất. Ngoài ra, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác. Vệ sinh tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày cũng là một trong những biện pháp phòng cúm và các bệnh lây nhiễm thông thường khác khá hiệu quả, không tốn kém và dễ thực hiện. Thường xuyên vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng vi-rút mà cần thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc. Việc dự phòng bằng thuốc: có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virut oseltamivir (tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày. Để hạ sốt, chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38oC, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamim) và cân bằng nước điện giải.