Cung cầu suy yếu, thị trường giằng co biên độ hẹp, khối ngoại tiếp tục xả mạnh
Vài nhịp sụt giảm vẫn diễn ra trong phiên sáng nay nhưng cuối cùng thị trường vẫn duy trì được trạng thái cân bằng tích cực. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm xuống mức thấp nhất trong 6 phiên sáng trở lại đây cho thấy nhu cầu bán vẫn đang giảm đi...
Vài nhịp sụt giảm vẫn diễn ra trong phiên sáng nay nhưng cuối cùng thị trường vẫn duy trì được trạng thái cân bằng tích cực. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm xuống mức thấp nhất trong 6 phiên sáng trở lại đây cho thấy nhu cầu bán vẫn đang giảm đi.
Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX chỉ đạt 10.224 tỷ đồng, giảm 65% so với sáng hôm qua. HoSE cũng giảm 65%, đạt 9.299 tỷ đồng. Nếu nhìn từ phiên xả hàng khổng lồ hôm qua, thanh khoản này cho thấy sức ép từ phía bán đã dịu xuống.
Thêm nữa, dao động giá cổ phiếu lẫn chỉ số nhìn chung là hẹp. VN-Index có 3 nhịp đỏ trong phiên sáng nay với mức giảm sâu nhất chưa tới 5 điểm. Từ khoảng 10h30 thị trường hồi lên, chỉ số kết phiên đã tăng 2,78 điểm tương đương +0,22%.
Diễn biến độ rộng cho thấy trạng thái trồi sụt này vẫn do bên bán cầm trịch. Ở các nhịp VN-Index đỏ, số lượng cổ phiêu giảm giá vẫn áp đảo. Chẳng hạn đáy sâu nhất lúc 9h50, VN-Index ghi nhận 155 mã tăng/203 mã giảm. Ở đáy thứ 3 lúc 10h30 có 156 mã tăng/250 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên có 235 mã tăng/194 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu blue-chips tuy tăng rất nhẹ, nhưng vẫn là trụ giữ nhịp cho thị trường. VN30-Index phần lớn thời gian là đỏ và kết phiên cũng chỉ tăng 0,07% với 13 mã tăng/13 mã giảm. Duy nhất HPG là đáng kể với mức tăng 3,04%. Top 10 vốn hóa của HoSE có 6 mã tăng gồm GAS, VHM, CTG, VPB và VNM nhưng đều rất yếu. Rổ VN30 có thêm GVR tăng 2,92%, PLX tăng 3,15% rất tốt, nhưng vốn hóa chưa đủ nhiều. Ngược lại số giảm cũng không có cổ phiếu nào quá xấu, dẫn đầu là HDB giảm 2,02% nhưng vốn hóa cũng chưa lọt top 20. BID giảm 1,15% và FPT giảm 1,06% là ảnh hưởng nhất vì thuộc Top 10 vốn hóa.
Nhìn tổng thể phiên sáng nay thị trường giữ được trạng thái cân bằng là tín hiệu tích cực nhất. Trong 194 mã giảm chỉ có 52 mã giảm quá 1%, với thanh khoản chỉ chiếm 7,6% tổng khớp sàn HoSE. Phía tăng có 235 mã thì 87 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 37,4% sàn. Như vậy dù thanh khoản chung giảm đáng kể thì cơ cấu phân bổ vốn vẫn thể hiện hiệu lực đẩy giá rõ rệt.
Mặt khác trong bối cảnh thị trường đang “rối” với các thông tin bất lợi và xuất hiện một ngày bán tháo kỷ lục, tâm lý ổn định là tín hiệu ban đầu tốt nhất. Chỉ khi nhà đầu tư giữ được bình tĩnh thì cung cầu mới có thể đánh giá một cách chính xác.
Hiện dòng tiền vẫn đang có biểu hiện “né” các cổ phiếu vốn hóa lớn. Toàn sàn HoSE 33 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 13 mã thuộc VN30. Trừ HPG dẫn đầu thị trường, các mã thanh khoản cao nhất khác là EIB, CII, NKG, DIG, PDR… Khá nhiều mã thu hút dòng tiền ấn tượng trong tương quan với vốn hóa cũng như mức độ ảnh hưởng tới thị trường. Những cổ phiếu vừa và nhỏ ít chi phối chỉ số đang tăng tốt nhất. Tiêu biểu có thể kể tới NKG kịch trần thanh khoản 357,5 tỷ đồng; TV2 tăng 5,47% thanh khoản 30,9 tỷ; HSG tăng 5,31% với 214,2 tỷ; PHR tăng 4,96% với 56,5 tỷ; CNG tăng 4,84% với 21,2 tỷ; BCG tăng 4,52% với 141,7 tỷ…
Như vậy trong điều kiện dòng tiền suy yếu do nhà đầu tư tạm nghỉ ngơi quan sát, các cổ phiếu thanh khoản trung bình tới thấp có điều kiện tăng giá thuận lợi hơn. Nếu tính cả biên độ phục hồi hôm qua, giao dịch bắt đáy ở nhiều mã thậm chí đạt lợi nhuận rất tốt. Đây là sức hấp dẫn đáng kể đối với dòng tiền đầu cơ.
Khối ngoại là điểm trừ lớn khi tiếp tục rút ròng tới 485,5 tỷ đồng nữa trên HoSE sau khi bán ròng tới trên 500 tỷ đồng sáng hôm qua. Đây là phiên sáng bán ròng thứ 6 liên tiếp. Các mã bị xả rất mạnh là SSI -81,2 tỷ, PVD -50,2 tỷ, CTG -36,1 tỷ, STB -35,6 tỷ, VPB -32,2 tỷ, VIX -32,1 tỷ, VND -28,4 tỷ. Phía mua có NKG +31,3 tỷ, DGC +30,6 tỷ, BCG +27,4 tỷ.