07:39 19/03/2024

Chứng khoán Mỹ hồi phục trong lúc chờ tin Fed, giá dầu lên cao nhất 4 tháng

Bình Minh

Sự kiện quan trọng nhất của tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/3), khi giới đầu tư dõi theo một hội nghị quan trọng về trí tuệ nhân tạo (AI) và chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng 2% sau khi có tin xuất khẩu dầu của Iraq và Saudi Arabia giảm và kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 75,66 điểm, tương đương tăng 0,2%, chốt ở mức 38.790,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,63%, đạt 5.149,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,82%, đạt 16.103,45 điểm.

Giữ vai trò trụ cột của phiên này là cổ phiếu công nghệ - nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Trong đó, cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng 0,7% trong ngày đầu tiên của GTC Conference - hội nghị công nghệ nơi Nvidia được kỳ vọng sẽ trình làng những sản phẩm chip mới nhất về AI.

Ngay khi hội nghị tên khai mạc, giới phân tích đã nâng giá mục tiêu cổ phiếu Nvidia. Công ty phân tích Truist dự báo cổ phiếu này có khả năng tăng thêm 34%.

Nhiều cổ phiếu công nghệ khác ghi nhận mức tăng thậm chí còn ấn tượng hơn. Alphabet - công ty mẹ của Google - chốt phiên với mức tăng 4,6% sau khi hãng tin Bloomberg đưa tin Apple đang đàm phán với Google để đưa Gemini AI vào điện thoại iPhone.

Trước phiên tăng này, S&P 500 và Nasdaq đều có 2 tuần giảm liên tiếp do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, trong khi Dow Jones đã giảm liền 3 tuần.

“Điểm nổi bật của phiên ngày hôm nay là sự xoay vòng trở lại với cổ phiếu công nghệ. Thị trường đang ở trong một giai đoạn yếu có tính chất mùa vụ và nhà đầu tư không biết thực sự nên làm gì. Bởi vậy, họ xoay vòng giữa bán cổ phiếu công nghệ và bán các nhóm cổ phiếu khác”, CEO Jay Hatfield của công ty Infracap nhận định với hãng tin CNBC.

Ông Hatfield dự báo xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ được nối lại vào tháng 4, khi bước vào mùa báo cáo tài chính quý 1/2024.

Sự kiện quan trọng nhất của tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed. Cuộc họp sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư với một tuyên bố của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) và một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 99% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Tuy nhiên, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã giảm xuống trong những ngày gần đây, còn khoảng 55%. Cách đây hơn 1 tuần, khả năng này còn ở mức 80%.

“Thủ phạm” khiến các nhà giao dịch giảm đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất là các báo cáo kinh tế Mỹ gần đây cho thấy lạm phát nóng hơn dự báo - mhững điểm dữ liệu đặt ra khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,55 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở mức 86,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,68 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở mức 78,82 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của mỗi loại dầu kể từ cuối tháng 10, đồng thời đưa cả hai loại dầu vào trạng thái kỹ thuật mua quá nhiều (overbought).

Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô về mức 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù lại lượng xuất khẩu vượt quá hạn ngạch được phân bổ trong OPEC+. Theo hạn ngạch này, Iraq phải giảm xuất khẩu dầu 130.000 thùng/ngày từ tháng 2.

OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, Iraq đã bơm nhiều dầu hơn so với hạn ngạch mà liên minh này đưa ra vào tháng 1.

Saudi Arabia - nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC - đã giảm xuất khẩu dầu 2 tháng liên tiếp tính đến tháng 1 năm nay. Trong tháng 1, nước này xuất khẩu 6,297 triệu thùng dầu mỗi ngày, từ mức 6,308 triệu thùng/ngày trong tháng 12.

Trong khi đó, Ukraine đang tiếp tục tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga, khiến công suất lọc dầu của nước này giảm 7% trong quý 1 năm nay - theo một phân tích của hãng tin Reuters. Giới đầu tư cho rằng việc các nhà máy lọc dầu của Nga phải giảm công suất sẽ buộc nước này tăng xuất khẩu dầu thô qua các cảng ở phía Tây thêm khoảng 200.000 thùng/ngày lên mức khoảng 2,15 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga đẩy cao rủi ro an ninh năng lượng do căng thẳng địa chính trị. Mối lo này là một nhân tố đẩy giá dầu tăng trong những phiên gần đây.

Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin khả quan về kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Cả sản lượng của các nhà máy và doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc trong kỳ 2 tháng đầu năm đều cao hơn dự báo, đánh dấu một sự khởi đầu khả quan cho năm 2024, cho dù cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng.