01:23 26/10/2010

Cuộc chiến tỷ giá nhìn từ... đồ hiệu

An Huy

Ngành sản xuất đồ hiệu đặc biệt nhạy cảm trước sự mất giá của đồng USD cũng như mạnh lên của đồng Nhân dân tệ

Hiện người Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 21% số đồ hiệu của thế giới và đóng góp quá nửa vào sự tăng trưởng của ngành này - Ảnh: AP.
Hiện người Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 21% số đồ hiệu của thế giới và đóng góp quá nửa vào sự tăng trưởng của ngành này - Ảnh: AP.
Không chỉ nằm trong số những vấn đề kinh tế nóng nhất của thế giới hiện nay, căng thẳng về tỷ giá giữa các đồng tiền cũng đang gây nhiều ảnh hưởng, cả tích cực và tiêu cực, cho ngành sản xuất và kinh doanh đồ hiệu.

Tờ Financial Times cho biết, khoảng 75% số hàng hiệu của thế giới được sản xuất tại châu Âu, và cũng một tỷ lệ tương tự những sản phẩm này được tiêu thụ bởi khách hàng bên ngoại lục địa già, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc.

Đó là lý do vì sao ngành sản xuất đồ hiệu đặc biệt nhạy cảm trước sự mất giá của đồng USD cũng như mạnh lên của đồng Nhân dân tệ.

Theo ông Luca Solca, một nhà phân tích cao cấp thuộc công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research, cho rằng, đồng USD yếu đi và Euro mạnh lên sẽ có hại cho các nhà sản xuất đồ hiệu châu Âu, vốn trong nửa đầu năm hưởng lợi từ đồng Euro mất giá.

Doanh thu của ngành đồ hiệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 10% trong năm 2010, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm trong năm 2011. “Đồng USD yếu sẽ ảnh hưởng tới khoảng 45% doanh thu của các hãng đồ hiệu châu Âu và sẽ gây bất lợi cho sự tăng trưởng của ngành”, ông Solca nhận định.

Ông Solca dự báo, nếu USD còn duy trì mức tỷ giá hiện nay so với Euro, doanh thu nửa đầu năm 2011 của các hãng đồ hiệu sẽ thiệt hại khoảng 5%. Trong số các công ty sản xuất đồ cao cấp, Richemont và Swatch đã lên tiếng cảnh báo về những khó khăn liên quan tới tỷ giá trong năm tới.

Hãng rượu Pernod Ricard, nhà sản xuất rượu vodka hiệu Absolut và sâm panh Perrier-Jouet, xuất khẩu nhiều hàng đi từ châu Âu hơn là nhập khẩu vào thị trường này. Tuần trước, công ty cho biết, dựa trên mức tỷ giá hiện tại, thì tỷ giá ngoại hối không còn nhiều ảnh hưởng tích cực lợi nhuận hoạt động ước tính của họ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2011.

Hồi tháng 9, Pernod Ricard ước tính lợi nhuận của hãng sẽ tăng thêm 120 triệu Euro trong năm tài khóa này nhờ ảnh hưởng tích cực từ biến động tỷ giá. Tuy nhiên, do đồng Euro mạnh lên so với USD trong thời gian gần đây, số lợi nhuận gia tăng nhờ tỷ giá sẽ chỉ còn 30 triệu Euro.

Từ tháng 6 tới nay, USD đã mất giá 17% so với Euro. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, các công ty có thể giảm bớt áp lực từ sự mất giá này của đồng bạc xanh vì đã dự phòng tỷ giá trong 6-12 tháng, đồng nghĩa với việc họ có thể chống chọi tốt với những biến động tỷ giá ngắn hạn. Ngoài ra, các hãng đồ hiệu cũng có lợi thế về thiết lập giá cả hơn so với những ngành khác, vì thế họ có khả năng điều chỉnh linh hoạt giá bán lẻ để bù đắp cho những khó khăn mà biến động tỷ giá gây ra.

Trong khi đó, bà Scilla Hung Sun, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại quỹ quản lý tài sản Swiss & Global Asset Management ở Zurich, Thụy Sỹ, cho rằng, trong dài hạn, xu hướng đi xuống của USD so với các đồng tiền của châu Á sẽ có tác động tích cực đối với các công ty sản xuất đồ hiệu vốn đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường châu Á để tìm kiếm sự tăng trưởng.

“Các đồng tiền châu Á tăng giá sẽ làm gia tăng sức mua của người tiêu dùng ở khu vực này, nhất là người tiêu dùng Trung Quốc. Như thế sẽ có lợi cho ngành công nghiệp hàng cao cấp”, bà Scillia nói. Hiện người Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 21% số đồ hiệu của thế giới và đóng góp quá nửa vào sự tăng trưởng của ngành này.

Sự gia tăng sức mua của người tiêu dùng châu Á so với người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã được thể hiện rõ ở các trung tâm mua sắm tại châu Âu. Dân châu Á đang ngày càng có ảnh hưởng trong nhóm đối tượng người tiêu dùng là khách du lịch - đối tượng đóng góp khoảng 15% doanh thu toàn cầu của ngành đồ hiệu. Biến động tỷ giá đang được người tiêu dùng châu Á theo dõi chặt chẽ và xem như cơ hội để họ tăng cường mua sắm những món hàng yêu thích.

Tại thị trường châu Âu, các hãng đồ hiệu cho biết, lượng mua sắm của du khách Trung Quốc đã tăng 90% trong năm ngoái, kế đó là du khách Nga. Trong khi đó, doanh thu từ các du khách Mỹ và Nhật liên tục giảm.

Tại Italy, du khách đến từ Trung Quốc đóng góp khoảng 15% vào tổng doanh thu của nhiều thương hiệu, từ chỗ gần như là con số 0 cách đây 2 năm.

Tại Cova, một quán cà phê thuộc khu mua sắm cao cấp Via Montenapoleone ở Milan, Italy, người ta dễ dàng nghe thấy những cuộc đối thoại bằng tiếng Nga và tiếng Trung Quốc, phổ biến không kém gì tiếng Italy. Các món đồ mang thương hiệu Prada, Gucci, hay Ermenegildo Zegna chất đầy trên tay những khách hàng người Nga và Trung Quốc.

Ông Gian Giacomo Ferraris, Giám đốc điều hành hãng Versace, cho rằng những người Trung Quốc giàu có bắt đầu đi du lịch nhiều hơn, và điều này sẽ có tác động tích cực đối với ngành đồ hiệu của thế giới